Chốt phiên giao dịch hôm nay (13/6), sàn HoSE chỉ có 38 mã tăng (4 mã tăng trần) và 458 mã giảm (163 mã sàn), VN-Index giảm 57,04 điểm (-4,44%), xuống 1.227,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 733,45 603 triệu đơn vị, giá trị 18.523,28 tỷ đồng, tăng 21,63% về khối lượng và 9,24% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 10/6.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24 triệu đơn vị, giá trị 757,4 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, POW là cổ phiếu hiếm hoi vẫn giữ được sắc xanh nhờ lực cầu mạnh mẽ. Đóng cửa, POW tăng 1,7% lên mức 15.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, dẫn đầu thanh khoản thị trường khi đạt 40,9 triệu đơn vị.
Còn lại 29 mã trong nhóm này đều giảm mạnh, đáng kể là PNJ, VPB, BVH, GVR, TPB, CTG, SSI đều đóng cửa tại mức giá sàn; các mã khác như MSN, MBB, MWG, PLX cũng có mức giảm trên 6,7%.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu cùng nhịp đập thị trường là chứng khoán có diễn biến tiêu cực trên diện rộng với sự góp mặt của SSI, HCM, VCI, FTS, TVB, VDS, VIG, VIX, VND, AGR, APG, CTS.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần bớt tiêu cực hơn chút ít khi có EIB đi ngược xu hướng chung của thị trường và đóng cửa tăng 1,64% lên 30.900 đồng/CP và cổ phiếu đầu ngành là VCB thu hẹp đà giảm về cuối phiên khi chỉ còn mất 1,7%, đóng cửa tại mốc 76.400 đồng/CP, còn lại cũng đều giảm mạnh.
Trong đó, CTG, VPB, TPB, MSB, VIB, OCB, LPB giảm sàn; MBB giảm 6,73%; còn lại BID, TCB, ACB, MBB, SHB… đều có mức giảm trên 4-5%.
Ở nhóm cổ phiếu thép, số mã nằm sàn chiếm áp đảo với sự có mặt của HSG, NKG, POM, TLH, trong khi HPG cũng về vùng giá thấp nhất trong ngày khi để mất 5,4% xuống mức 31.800 đồng/CP, SMC giảm 6,8% xuống sát giá sàn 24.800 đồng/CP.
Ở nhóm bất động sản cũng không có nổi mã nào giữ được sắc xanh. Trong đó, số mã giảm sàn cũng la liệt như KBC, DIG, VCG, BCG, TCH, DXG, ITA, CII, IJC…
Trong khi đó, trên sàn HNX, chốt phiên sàn này chỉ còn 17 mã tăng trong khi có tới 215 mã giảm, HNX-Index giảm 18,08 điểm (-5,9%) xuống 288,37 điểm.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 98,1 triệu đơn vị, giá trị 2.135,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 601,74 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu đến từ hơn 16 triệu cổ phiếu THD, trị giá hơn 564 tỷ đồng.
Trên UPCoM, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên. Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 3,19 điểm (-3,4%), xuống 90,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,97 triệu đơn vị, giá trị 1.500,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 24,46 tỷ đồng.
Liên quan đến phiên giảm điểm hôm nay, ông Trần Bá Duy - Giám đốc Tư vấn Đầu tư (Công ty Chứng khoán VPS) nhận định, phiên giảm điểm hôm nay là tổng hòa của nhiều yếu tố.
Trước hết, những phiên vừa qua thị trường đã phục hồi nhưng không kéo được dòng tiền chảy vào, dòng tiền đang rất thận trọng. Thêm vào đó, dòng midcap thời gian qua tăng rất tốt, như cảng biển, thủy sản, xuất khẩu, bán lẻ… đến một lúc nào đó sẽ bị chốt lãi. Đặc biệt, lạm phát ở Mỹ cũng tăng vượt dự báo do kỳ vọng lạm phát lại tiếp tục tăng lên và điều này khiến chỉ số Dow Jones lại tiếp tục giảm điểm gây tác động lên tâm lý nhà đầu tư.
"Tuần này lại có một số sự kiện như Fed dự kiến tăng lãi suất, đáo hạn phái sinh… khiến nhà đầu tư càng thêm thận trọng nên việc "xả" hàng là khó tránh khỏi", ông Duy bình luận.
Trong vài phiên tới, theo ông Duy, với đà "đạp" như hiên hay, có thể VN-Index sẽ về vùng 1.200 điểm, thậm chí là có thể test đáy của tháng 5. Còn VN-Index có "thủng" tiếp hay không thì cũng chưa dám nói trước được. Nhưng với áp lực như hiện nay thì việc rơi về vùng đáy như vậy là rất có khả năng.