Dân Việt

Nữ nhân duy nhất được mặc long bào khi chôn cất trong lịch sử Trung Quốc là ai?

Mộc Miên 16/06/2022 14:33 GMT+7
Vinh Hiến Công Chúa là người đầu tiên trong lịch sử được vua cha ban thưởng long bào, điều này đủ chứng minh rằng địa vị của bà rất cao quý.

Năm 1972, các nhà khảo cổ học đã tìm ra một ngôi mộ cổ ở vùng Nội Mông (Trung Quốc). Khu mộ cổ rộng khoảng 45 mét và dài 105 mét với diện tích trên dưới 5000 mét vuông. Phía Nam của ngôi mộ có một cổng lớn, phía Bắc dựng một tấm bia đá hình vuông với kích thước 15x15 mét. Ngôi mộ này chứa rất nhiều di tích văn hóa quý giá, có giá trị sưu tập và nghiên cứu lịch sử rất lớn.

Trong quá trình khai quật ngôi mộ cổ, các chuyên gia đã phát hiện một thi thể nữ, trên người khoác một chiếc long bào. Đặc biệt, thi thể gần như còn nguyên vẹn, lớp da vẫn giữ được tính đàn hồi như người còn sống.

Nữ nhân duy nhất được mặc long bào khi chôn cất trong lịch sử Trung Quốc là ai? - Ảnh 1.

Long bào thường được mặc bởi hoàng đế. Ảnh minh họa

Như chúng ta đã biết, long bào chỉ dành riêng cho các hoàng đế cổ đại, tượng trưng cho sự uy nghiêm và quyền lực của người đứng đầu đất nước. Vào thời kỳ nhà Thanh không hề có nữ hoàng đế, chỉ có duy nhất Từ Hy Thái Hậu buông rèm theo dõi chính sự. Trước đó chỉ có Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Lần theo những dấu vết trong ngôi mộ cổ cùng những thông tin đã khám phá được từ trước, các nhà khảo cổ đã nhanh chóng xác định được danh tính của xác chết nữ kia. Bà là con gái thứ 4 của Hoàng đế Khang Hy thời đại nhà Thanh: Vinh Hiến Công Chúa. Mẹ ruột của bà là Vinh phi Mã Giai thị, một trong những phi tần đầu tiên của Hoàng đế Khang Hy.

Theo truyền thống của nhà Thanh, công chúa thường kết hôn với người Mông Cổ để duy trì mối giao hảo 2 nước. Do đó, năm Vinh Hiên lên 9 tuổi, bà đã được đính hôn với Ô Nhĩ Cổn, thứ tử của Trát Tát Khắc Đa La Quận vương Ngạc Tề Nhĩ.

Đúng thông lệ, công chúa sẽ rời kinh đô từ khoảng 12 - 15 tuổi để làm dâu nước ngoài. Thế nhưng, Hoàng đế Khang Hy đặc biệt không muốn rời xa người con gái này nên đã trì hoãn cho đến khi Vinh Hiến 19 tuổi (năm 1706).

Nữ nhân duy nhất được mặc long bào khi chôn cất trong lịch sử Trung Quốc là ai? - Ảnh 2.

Cố Luân Vinh Hiến Công chúa là hoàng nữ được Hoàng đế Khang Hy sủng ái nhất. Ảnh minh họa

Vua Khang Hy yêu quý Vinh Hiến công chúa một phần là vì mẹ cô là Vinh phi Mã Giai thị, một trong những phi tần đầu tiên của hoàng đế. Trong 6 năm, Vinh phi đã sinh hạ cho Khang Hy 5 người con, đủ để thấy sự sủng ái khi đó.

Thời gian trôi qua, Vinh phi dần dần không còn được hoàng đế đoái hoài, nhưng Vinh Hiến công chúa vẫn là cô con gái được Khang Hy hết mực yêu quý. Vua Khang Hy cho rằng, trong gia đình con trai con gái đều như nhau, đã nhiều lần khen Vinh Hiến Công chúa hiếu thuận, thậm chí có hiếu nhất.

Sở dĩ vua Khang Hy chọn Ô Nhĩ Cổn làm phò mã, tuy là có mục đích liên hôn củng cố địa vị nhưng hơn thế là suy nghĩ tới hạnh phúc cho con gái.

Theo sử sách, sau khi công chúa kết hôn, vua Khang Hy đã nhiều lần đích thân đến thăm con gái ở Mông Cổ xa xôi, một vinh hạnh mà những vị công chúa khác trong lịch sử Trung Hoa cũng không có được.

Công chúa cũng vì cha mà cho xây dựng một hành cung ở Ba Lâm bộ, đây là Hoàng đế Hành cung duy nhất ở biên cương phía Bắc của Trung Hoa. Ô Nhĩ Cổn tướng mạo anh tuấn, khí chất phong độ, hơn nữa còn văn võ song toàn, có chiến công xuất sắc, vô cùng xứng đôi với Công chúa Cố Luân Vinh Hiến.

Khi Hoàng đế Khang Hy lâm bệnh nặng, Công chúa Vinh Hiến lập tức từ Mông Cổ chạy về, ở bên trông giữ, tự mình hầu hạ liên tục 4 ngày 4 đêm. Cùng năm đó, bà được tấn phong là Cố Luân Vinh Hiến Công chúa.

Năm 1721, Ô Nhĩ Cồn qua đời, Công chúa Cố Luân Vinh Hiến sống một mình trên trần gian 7 năm và cũng nhắm mắt vào năm Ung Chính thứ 6, được an táng tại Nội Mông.

Lăng mộ của Cố Luân Vinh Hiến được con trai xây dựng cực kỳ xa hoa. Điều khiến người ta cảm thấy kinh ngạc là vua Khang Hy còn ban cho bà một bộ long bào, gửi gắm tình thương của cha vào đó. Vì thế sau khi qua đời, bà được mặc long bào để an táng.