Dân Việt

Vì sao TP.HCM đề xuất tái thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế?

Bạch Dương 17/06/2022 16:44 GMT+7
Mới đây, Sở Y tế có đề xuất với UBND TP.HCM về việc thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế do Sở Y tế là chủ đầu tư, thực hiện mời thầu.
Vì sao TP.HCM đề xuất tái thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế? - Ảnh 1.

Các cơ sở y tế công lập tự thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế từ năm 2017 đến nay. Ảnh: P.V

TP.HCM từng thành lập Trung tâm mua sắm nhưng không hiệu quả

Trước năm 2014, các đơn vị thực hiện việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế trên cơ sở và nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định (Thông tư 68/2012/TT-BTC; Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND về phân cấp trong mua sắm).

Ngày 24/1/2013, UBND TP.HCM thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế thành phố theo Quyết định 414/QĐ-UBND, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế.

Nhiệm vụ chính là tổ chức mua sắm, trang bị, cung ứng và điều phối hàng hóa (thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị) cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố và quận/huyện. Trung tâm mua sắm là đơn vị tổ chức mua sắm còn Tổ chuyên gia, Tổ Thẩm định bao gồm các thành viên là lãnh đạo các phòng ban có liên quan của Sở Y tế, các chuyên viên của Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội và các thành viên đại diện của các đơn vị. Sở Y tế là chủ đầu tư, thực hiện phê duyệt hồ sơ mời thầu, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Các gói thầu Trung tâm mua sắm đã thực hiện từ năm 2014-2016 gồm có 6 gói thầu thuốc. Tuy nhiên, số mặt hàng trúng thầu là rất thấp so với kế hoạch (khoảng 50%).

Thực tế giai đoạn đó cho thấy, Trung tâm mua sắm chưa thực sự là một trung tâm độc lập với các cơ sở y tế và Sở Y tế, chưa đảm bảo tính khách quan khi tổ chức mua sắm do nhân sự thực hiện gói thầu (đánh giá, thẩm định) chỉ là nhân sự kiêm nhiệm của Sở Y tế (Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm mua sắm, các Trưởng phòng kiêm nhiệm tổ trưởng tổ thẩm định, tổ chuyên gia), nhân sự kiêm nhiệm của các đơn vị.

Nguồn nhân lực của Trung tâm mua sắm không tương xứng với quy mô mua sắm tập trung của toàn ngành y tế Thành phố. Điều này dẫn đến thời gian thực hiện mua sắm kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, buộc các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác. Nguy cơ nhà thầu trúng thầu không cung ứng kịp hàng hóa dẫn đến các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác. Điều này gây khó khăn cho bệnh viện khi thanh toán bảo hiểm y tế.

Ngày 4/10/2017, UBND TP có Quyết định số 5220/QĐ-UBND giải thể Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế thành phố.

Từ năm 2017 đến nay, 78 đơn vị sự nghiệp y tế công lập của TP.HCM phải tự thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc. Giá trị mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế hàng năm của toàn ngành y tế TP.HCM khoảng 14.000 tỷ đồng.

Với việc tổ chức đấu thầu theo đơn vị như hiện nay, các đơn vị chủ động trong việc mua sắm để đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, năng lực tổ chức mua sắm ở các đơn vị là khác nhau và nhìn chung đa số còn có nhiều hạn chế trong công tác đấu thầu, như: Việc phê duyệt danh mục mua sắm, họp hội đồng khoa học công nghệ chưa đi sâu vào thực chất; công tác thẩm định giá gói thầu chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định; giá trúng thầu chênh lệch nhiều so với giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan (do không có quy định phải so sánh cũng như không có được thông tin về giá nhập khẩu). Giá trúng thầu của hàng hóa ở mỗi đơn vị mua sắm là khác nhau.

Nguyên nhân được Sở Y tế TP.HCM nhận định, do công tác mua sắm đòi hỏi tính chuyên môn cao, trong khi đó các đơn vị mua sắm hiện nay còn thiếu tính chuyên nghiệp; Không có cơ quan hỗ trợ về tư vấn đấu thầu, thẩm định giá đáng tin cậy.

Quy định và quy trình rất nhiều nhưng các quy định chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ, như: Quy định về xây dựng giá kế hoạch theo quy định của Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10.7.2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập: "Không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố" nhưng giá trúng thầu đã công bố không kèm theo cấu hình trang thiết bị, trong khi đó mỗi cấu hình thì sẽ có có giá khác nhau nên các đơn vị rất khó khăn khi xác định giá kế hoạch của trang thiết bị; quy định trang thiết bị mua sắm phải được kê khai giá, gây tâm lý hoang mang, lo lắng của những người thực hiện mua sắm.

Vì sao TP.HCM đề xuất tái thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế? - Ảnh 3.

TP.HCM cần thiết phải có một Trung tâm mua sắm tập trung. Ảnh: P.V

Phải thành lập ngay Trung tâm mua sắm

Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trước tình hình nhiều bệnh viện trên địa bàn TP thiếu thuốc, vật tư y tế. Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu Sở Y tế khẩn trương tham mưu cho UBND TP.HCM để sớm hình thành Trung tâm mua sắm. Trước mắt, Sở Y tế đề xuất mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc cần thiết phục vụ điều trị bệnh cho người dân thành phố.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, hiện nay, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên địa bàn TP, trong đó có nguyên nhân là các đơn vị e ngại việc tổ chức đấu thầu mua sắm do giá nền các loại thuốc, vật tư y tế chưa được quy định, niêm yết rõ ràng.

Cũng theo ông Nên, Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị các ngành nghiên cứu, đề xuất những cơ chế phù hợp cho trung tâm mua sắm. Nếu có vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo nhưng bằng mọi giá phải có thuốc, sinh phẩm chữa trị cho người dân. Không để trường hợp người dân nào tử vong do thiếu thuốc, thiếu thiết bị.

"Thời đại này còn nói vì thiếu cái này thiếu cái kia mà người dân phải tử vong là không thể chấp nhận được. Bởi phục vụ con người là mục đích cao nhất trong bất kỳ tình huống nào", ông Nên nhấn mạnh.

Theo ông Nên, ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch Covid-19 đã thấy sự cần thiết của trung tâm mua sắm, do đó, các ngành cần nghiên cứu thực hiện. Trung tâm mua sắm là đơn vị chuyên mua sắm các vật tư, sinh phẩm y tế… Đây là đơn vị được trao cho cơ chế, kinh phí để mua sắm các vật tư chứ không để cơ sở y tế tự mua sắm.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã xây dựng đề án Trung tâm mua sắm tập trung. Giai đoạn đầu, dự kiến chỉ tập trung vào mua thuốc, khi hoạt động ổn định mới tiến hành mua sắm tập trung vật tư, trang thiết bị y tế.