Dân Việt

"Chảy máu" nhân lực y tế ở Đồng Nai: Người trong cuộc nói gì? (Bài 2)

Nha Mẫn 21/06/2022 06:17 GMT+7
Bác sĩ, điều dưỡng cho biết bản thân họ cũng muốn gắn bó lâu dài với y tế công lập nhưng áp lực công việc cao, thu nhập thấp khiến họ đành dứt áo ra đi.

Bác sĩ nghỉ việc vì áp lực thu nhập

Trước tình trạng cán bộ, nhân viên y tế ồ ạt nghỉ việc, PV báo Dân Việt đã liên hệ một số điều dưỡng, bác sĩ nghỉ việc để tìm hiểu thông tin.

'Chảy máu' nhân lực y tế ở Đồng Nai (Bài 2): Người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 1.

Mùa dịch Covid-19, nhân viên y tế công lập càng vất vả hơn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Chia sẻ với Dân Việt, bác sĩ Đ.D.V cho biết sau 4 năm gắn bó với Bệnh viện đa khoa Thống Nhất anh đành "dứt áo ra đi" bởi thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. 

Bác sĩ nghỉ việc tên V kể, 4 năm trước anh được nhận vào khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Thống Nhất công tác. Thời điểm đó còn trẻ, chưa lập gia đình nên chắt bóp chi tiêu cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên đến nay anh V đã có vợ con, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ nhưng lương không tăng, vẫn 6 - 7 triệu đồng/tháng nên anh đành xin nghỉ việc, rời bỏ nơi anh từng ao ước được gắn bó lâu dài. 

“Nguyên nhân chính dẫn đến chuyện tôi phải nghỉ việc là bởi mức thu nhập quá thấp. Tôi còn cha mẹ già, con nhỏ nên không thể bám trụ được nữa. Theo bản thân tôi, muốn giữ chân nhân viên y tế trong y tế công lập thì cần tăng lương gấp đôi hiện nay vì có thu nhập đủ trang trải cuộc sống mới có thể an tâm làm việc được”, bác sĩ V nói. 

'Chảy máu' nhân lực y tế ở Đồng Nai (Bài 2): Người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 2.

Nhân viên y tế công lập gặp nhiều khó khăn trong công tác. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tương tự, nữ điều dưỡng tên N.T.L có 14 năm công tác tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng vừa mới xin nghỉ việc vì quá mệt mỏi, lo sợ dịch bệnh, tiền bạc không được bao nhiêu. Chị L nói rằng chị và chồng đều công tác trong ngành y nên từ mùa dịch đến nay mọi việc trong nhà, con cái đều phải nhờ nội ngoại. 

Dù vậy, trực liên miên, tiền bạc lại thiếu trước hụt sau nên vợ chồng chị đành quyết để một người nghỉ để kiếm việc khác làm, mong thu nhập ổn định hơn. Hiện, chị L vừa nộp đơn vào một công ty tại KCN Amata để làm nhân viên y tế trong công ty. 

“Tôi cũng muốn ở lại vì bệnh viện là ngôi nhà tôi đã gắn bó hơn 10 năm, ra đi lưu luyến lắm. Nhưng cuộc sống mà, cơm áo gạo tiền, áp lực đè nặng trên vai... Thôi thì để chồng ở lại gắn bó với bệnh viện công, còn tôi cố gắng kiếm thêm thu nhập để phụ thêm với chồng lo cho con cái”, chị L trầm tư nói. 

Bác sĩ nghỉ việc: Người ở lại áp lực không kém

Còn bác sĩ T.N, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng nói rằng lương quá thấp đôi khi anh cũng muốn nghỉ, chuyển sang bệnh viện tư để đỡ áp lực kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại đa số người có chuyên môn đều đã rời đi, các khoa thiếu bác sĩ có kinh nghiệm. Nếu ai cũng đi thì rất tội bệnh nhân nên anh vẫn tiếp tục bám trụ lại. 

Anh N cho biết, hiện nay bệnh viện tư đang thu hút bác sĩ giỏi bằng mức lương, đãi ngộ cao, có những bác sĩ lãnh lương 50 - 70 triệu đồng, gấp nhiều lần so với bác sĩ gắn bó với bệnh viện công. Điều đó khiến cho ngày càng có nhiều bác sĩ rời bệnh viện công đến làm việc tại phòng khám, bệnh viện tư. 

'Chảy máu' nhân lực y tế ở Đồng Nai (Bài 2): Người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 3.

Nhân viên y tế công lập hi vọng thu nhập ổn định hơn. Ảnh: Tuệ Mẫn

“Cũng không trách được người đi vì có đảm bảo được cuộc sống mới có thể cống hiến. Ai trụ lại được thì trụ, không thì đi. Giờ cũng chỉ hi vọng Nhà nước có cơ chế riêng cho nhân lực ngành y tế để an tâm hoàn thành sứ mệnh cứu người”, anh N nói.

Theo các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện công khi có người nghỉ thì việc sẽ dồn vào người ở lại. Ví dụ như trước đây tuần trực đêm 3 ngày thì giờ tăng lên 5 ngày, không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm lo con cái gia đình. Nhiều người cũng vì vậy mà bị áp lực lại kéo nhau nghỉ việc.

Bác sĩ N.H.M ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, vì áp lực tiền bạc nên anh cũng đang chuẩn bị tinh thần để xin nghỉ việc. 2 năm qua dịch Covid-19 dập tơi tả, mọi nguồn thu của gia đình anh M dường như mất hết nên cuộc sống rơi vào khó khăn.

Hiện gia đình vẫn muốn anh làm bệnh viện công lập cho ổn định, tuy nhiên lương thấp quá anh không đủ lo tiền học phí, sinh hoạt cho gia đình nhỏ nên phải chuyển hướng sang bệnh viện tư để công tác.

"Tôi ra trường được 2 năm là về bệnh viện công tác đến nay cũng nửa thập kỷ gắn bó. Ở đây, anh em đa số quê miền Trung, thương, quý nhau như anh em ruột thịt nên cũng khó dứt áo. Dù vậy, cuộc sống mà, phải lo đủ cho bản thân, gia đình thì mới có thể hết mình cống hiến được.

Chắc khoảng vài tuần nữa tôi sẽ nộp đơn xin nghỉ và sẵn sàng tìm bến đỗ mới. Chỉ hi vọng người ở lại sẽ sớm được hưởng đãi ngộ, tăng lương phù hợp với công sức đã bỏ ra", anh M trầm tư.