Bob Dylan trong I'm not there (2007)
Ra mắt năm 2007, I'm not there kể lại cuộc đời đầy biến động của nhạc sĩ tài hoa của thế kỉ 20 Bob Dylan. Thời gian trong phim trải dài suốt mấy chục năm, từ khi ông còn bé xíu cho tới khi trở thành huyền thoại nhạc Folk của thế giới. I'm not there gây ấn tượng mạnh nhờ cách truyền tải câu chuyện sáng tạo của nhà làm phim Todd Haynes.
Tod lựa chọn tới 6 diễn viên vào vai Bob Dylan thuộc nhiều giai đoạn trong cuộc đời đầy biến động của ông, gồm có Christian Bale, Cate Blanchett, Marcus Carl Franklin, Richard Gere, Heath Ledger và Ben Whishaw.
Ban đầu, ai cũng cho rằng, Christian Bale hay Heath Ledger mới là điểm nhấn chủ đạo của phim nhưng trái với điều đó, màn trình diễn của nữ diễn viên Cate Blanchett mới thực sự khiến người xem ngỡ ngàng và nhớ tới chủ nhân của ca khúc bất hủ Blowin' in the Wind.
I'm Not There (2007). Nguồn Movieclips
Trong phim, Blanchett táo bạo và gây bất ngờ khi chuyển giới thành nam, vào vai anh chàng ca sĩ nhạc dân gian Jude Quinn – là hiện thân của Bob Dylan trong thời điểm giữa thập niên 60, luôn bận rộn đi lưu diễn với ban nhạc và làm khán giả bất mãn bởi cách anh ta chơi guitar điện.
Sau khi bộ phim ra mắt, Cate Blanchett được tờ The Guardian gọi bằng cái tên "Viên kim cương của bộ phim", còn tạp chí danh tiếng Rolling Stone thì tán dương ngôi sao 49 tuổi tận trên mây: "Đây đích thị là màn trình diễn sẽ sớm đưa Blanchett lên hàng ngũ của những huyền thoại. Nó không còn là vai diễn mà là phép màu".
Dẫn chứng là "Bob Dylan thập niên 60" đã mang về cho Cate Blanchett giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế Venice 2007; giải Quả cầu vàng cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất; giải Independent Spirit Award cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và các đề cử khác của Hiệp hội phê bình phim.
Mozart trong Amadeus (1984)
Mozart đến Vienna để biểu diễn theo lời đề nghị của vị chủ nhân, hoàng tử Archbishop của Salzburg. Salieri – một nhà soạn nhạc nổi tiếng khác cũng dự buổi diễn để gặp Mozart, ông phát hiện ra Mozart là một kẻ tục tĩu và non nớt, nhưng lại có tài năng thiên bẩm. Hoàng đế muốn ủy nhiệm cho Mozart để viết một vở opera, và bất chấp sự hạn chế tán thành từ các cố vấn, hoàng đế đã triệu anh vào cung điện.
Mozart vui vẻ nhận việc và khiến Salieri ngày càng khó chịu. Mozart đã ra mắt sáng tác của mình là Die Entführung aus dem Serail và nhận được đánh giá trái chiều từ hoàng đế. Salieri tỏ ra ghen tị với Mozart và đã tìm cách để hãm hại ông…
Amadeus (1984). Nguồn: IMDb
Sau khi công chiếu, Amadeus được giới phê bình đánh giá rất cao. Tính đến ngày 5 tháng 7 năm 2018, Amadeus nhận được 94% lượng đồng thuận trên hệ thống tổng hợp kết quả đánh giá Rotten Tomatoes, dựa trên 86 bài đánh giá, với điểm trung bình là 8.7/10.
Trên trang Metacritic, phim nhận số điểm 93 trên 10, dựa trên 12 bài nhận xét, chủ yếu là những lời khen ngợi. Tính đến 5/7/2018, Amadeus được những người yêu phim chấm 8,3/10 điểm tại trang web điện ảnh IMDb, đứng thứ 82 trong top 250 phim có điểm cao nhất của trang web này.
Bộ phim dù mang phong cách hư cấu, nhưng cũng cho chúng ta được khám phá những mặt trái của vị nhạc sĩ thiên tài Mozart, như chứng nghiện rượu của Mozart đã tàn phá sức khỏe, gia đình, và cả sự nghiệp của Mozart, bất chấp sự ra đời không ngừng của những tác phẩm đỉnh cao của ông.
Kurt Cobain trong Last Day (2005)
Bộ phim âm nhạc của đạo diễn Gus Van Sant tuy không nói trực tiếp nhưng khán giả có thể dễ dàng nhận ra vai chính được xây dựng dựa trên hình tượng nam ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh Kurt Cobain. Anh là trưởng nhóm ban nhạc chơi theo thể loại grunge rock Nirvana. Với ngoại hình điển trai, giọng hát ngọt lịm, Kurt Cobain là thần tượng của nhiều thế hệ thanh thiếu niên không chỉ riêng tại Mỹ mà còn trên cả thế giới những năm đầu thập niên 1990.
Âm hưởng chủ đạo của Last Days là cái chết, tuổi trẻ và sự cô độc. Blake, nhân vật được xây dựng dựa theo hình ảnh Kurt Cobain, đi thơ thẩn trong rừng, độc thoại trong tình trạng "phê" thuốc, thích mặc quần áo phụ nữ và đùa nghịch với khẩu súng săn - vũ khí sau này sẽ kết thúc cuộc đời của anh ta.
11 năm sau khi Cobain tự tử, hình ảnh của nam diễn viên tóc nhuộm vàng Michael Pitt chơi guitar đủ làm fan của Nirvana rùng mình ớn lạnh vì sự giống nhau quá sức tưởng tượng giữa hai người.
Last Days (2005). Nguồn: IMDb
Đạo diễn Van Sant cho biết, ông muốn tìm hiểu nỗi cô độc của những người sống trong danh vọng cùng mối liên hệ khó hiểu của danh vọng với bi kịch. Ông nói: "Không ai biết Kurt Cobain đã ở đâu trong những ngày cuối đời và thực sự chuyện gì đã xảy ra. Tôi hy vọng Last Days có thể xoa dịu những thắc mắc về những ngày cuối cùng của Cobain trong lòng người hâm mộ. Anh là người gặp nhiều rắc rối và không có ai giúp anh cả".
Phim nhận về khá nhiều ý kiến trái chiều. Trên Rotten Tomatoes, phim có số điểm 57% dựa trên đánh giá từ 120 nhà phê bình. Sự đồng thuận của trang web cho biết: "Mặc dù phong cách tối giản không dành cho tất cả người xem, nhưng những người thích chủ nghĩa thử nghiệm sẽ thấy Last Days như một phép thôi miên".
Beethoven trong Copying Beethoven (2006)
Phim lấy bối cảnh năm 1824 tại thành phố Vienna (Áo). Lúc bấy giờ là những ngày về già của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven khi ông muốn cho ra đời một tác phẩm mới - bản Symphony số 9, sau thời gian dài sống cô đơn trong sự câm lặng vì bị điếc cả hai tai và phải chịu nhiều tổn thương. Beethoven cần một người chép nhạc cho mình để hoàn thành tác phẩm và đưa ra công chúng.
Cô gái trẻ Anna Holtz Diane Kruger đóng đã được gửi đến làm nhiệm vụ này. Nhà soạn nhạc vốn được mệnh danh là một "quái nhân" ban đầu đã dành cho cô gái sự khinh miệt và khó chịu vì định kiến "trọng nam khinh nữ".
Thế nhưng sau đó, qua một tình huống bất ngờ, Anna đã chứng tỏ tiến bộ của cô trong âm nhạc. Nhờ vậy mà Beethoven đã phát hiện cô gái này thật sự có thể hiểu được âm nhạc của ông và cũng từ đó, tình yêu giữa hai người đã bắt đầu nảy sinh.
Beethoven. Nguồn: IMDb
Trong Copying Beethoven, mặc dù đôi lúc có một số lời thoại hơi "hiện đại" so với thời của Beethoven, nhưng không thể phủ nhận bộ phim đã lột tả được những nét đẹp trong âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc của con người vĩ đại này.
Bộ phim đã thật sự đưa người xem đến đỉnh cao của nghệ thuật bằng những động thái phối hợp thật ăn ý giữa Beethoven và người trợ lý xinh đẹp trong giai điệu tuyệt vời của bản Symphony số 9.
Derek Malcolm – nhà phê bình London Evening Standard cho bộ phim điểm tuyệt đối và đưa ra đánh giá trước những tranh cãi dành cho Copying Beethoven: "Bạn có thể chế nhạo bộ phim này nếu bạn thích, nhưng nó vẫn có thể được nhắc tới trong suốt chiều dài của lịch sử những phim nói về âm nhạc".
Trong khi đó nhà phê bình Dennis Schwartz lại cho rằng: "Bộ phim tiểu sử về giai đoạn trầm lắng nhưng mờ nhạt về những ngày cuối cùng của Ludwig von Beethoven".