Trong đó, thành phố Jacobabad ở nước này đã trở thành nơi nóng nhất thế giới với nhiệt độ lên tới 51 độ C, khiến cuộc sống của người dân vật lộn trong khó khăn không khác gì ở "địa ngục trần gian". Để chống chọi với cái nóng thiêu đốt, nhiều người đã chọn cách ngồi yên cầu nguyện.
Dưới cái nắng như đổ lửa, chị Razia cho biết đã tận dụng chút nước từ xe thùng rưới lên người đứa con rồi lấy quạt mát để giải nhiệt. "Bằng cách này, bọn trẻ sẽ dễ chịu hơn với thời tiết ở đây", chị nói.
Đợt nắng nóng gay gắt nhiều tháng nay đã thiêu đốt thành phố hơn 300.000 cư dân này. Đây là một trong hai thành phố trên trái đất đã vượt qua ngưỡng nhiệt và độ ẩm, nóng hơn mức cơ thể người có thể chịu đựng. Các chuyên gia đánh giá, Pakistan là quốc gia dễ bị tổn thương thứ 8 trong "Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn".
Kiệt sức vì nóng và say nắng là trở ngại hàng ngày mà phần lớn cư dân nghèo của thành phố đang phải chống chọi, bên cạnh khủng hoảng nước và mất điện kéo dài 12-18 tiếng mỗi ngày. Hầu hết các hộ gia đình cố gắng mua một tấm pin mặt trời giúp tiết kiệm điện làm mát, nhưng không ăn thua là bao.
"Vào những ngày nắng cao điểm, bất kể điện có hay không, chúng tôi đều ngồi xuống để cầu nguyện với các vị thần linh, mong thời tiết bớt khắc nghiệt", chị Rubina, một người dân lao động nghèo, tâm sự.
Bất chấp cái nóng, nhiều người vẫn phải mưu sinh dưới nhiệt độ ở ngưỡng nguy hiểm. Đó là những người bán nước ngoài đường. Hơn 9h sáng, khi mặt trời lên cao gay gắt, họ xếp hàng dài đổ đầy hàng chục chai 5 gallon nước từ một trạm bơm nước ngầm rồi bán lại cho người dân địa phương. Đây là nguồn sống đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất tại một trong những quốc gia nóng nhất thế giới.
Những người lao động chân tay làm trực tiếp dưới nắng là đối tượng dễ tổn thương tiếp theo. Thợ trong lò đóng gạch làm việc ở lò nung có nhiệt độ lên tới 1.000 độ C.
"Cái nóng gay gắt đôi lúc khiến chúng tôi buồn nôn, nhưng không làm thì không có tiền", Rasheed Rind, một thợ đóng gạch làm ở đây từ nhỏ, cho biết.
"Chưa bao giờ thời tiết nóng lâu đến thế. Hiện tại nhiệt độ là 48 độ C, nhưng có vẻ thực tế lên tới ngoài 50 độ C. Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy cho tới tháng 9", Iftikhar Ahmed, một quan sát viên thời tiết của bộ phận khí tượng Pakistan ở Jacobabad, nói.
Suốt nhiều thế kỷ, người dân bản địa sinh sống ở vùng đất khô cằn miền nam Pakistan phải "né tránh" mùa hè khốc liệt và chỉ quay trở lại vào mùa đông. Về mặt địa lý, thành phố này nằm dưới chí tuyến.