Dân Việt

Muôn nẻo tình già

Châu Mỹ 19/06/2022 14:40 GMT+7
Rung động vẫn trong sáng, vẫn nhiều xốc nổi, bồi hồi... ở những cặp "già rồi mới lần đầu biết yêu". Những cặp vợ chồng có hôn nhân bền vững, thì chữ "thương, quen" lớn nhiều hơn một chữ "yêu".

Tình già ở những cặp vợ chồng có hôn nhân bền chặt: Nhiều hơn cả chữ "yêu"

Hai năm trước, khi dịch Covid 19 mới bùng phát, mỗi ngày đi bộ dọc bờ kè gần nhà, sáng sớm hay tối khuya, tôi đều thấy một đôi vợ chồng già, nắm chặt tay nhau, chậm rãi đi bộ phía trước. Sau họ chừng vài trăm mét là người giúp việc chầm chậm đi sau quan sát. Cụ ông, cụ bà có lẽ đều chạm ngưỡng 90 tuổi, cụ bà nhỏ thó, lưng còng, gần như dựa hẳn người vào cụ ông, lẩy bẩy bước đi...

Tới khi thành phố hết phong tỏa, tôi chỉ còn thấy cụ ông đi bộ một mình cùng người giúp việc. Có lẽ, cụ bà đã qua đời. Vài tháng sau, không còn thấy cụ ông trên con đường ven kênh quen thuộc nữa, dù lúc này thành phố đang vào hạ, hoa bung nở rực rỡ ven đường... 

Chuyện này làm tôi nhớ tới ông bà nội tôi. Khi còn sống, bà tôi là trụ cột kinh tế trong nhà. Mỗi khi bà đi chợ về, cả ông, cả cháu đều tựa cổng ngóng quà. Ông vốn khó tính, nói nhiều, hay càm ràm, còn bà chỉ cười xuề xòa cho qua. Ngày nào bà cũng lo cho ông đủ đầy cút rượu với chiếc bánh đa hay bánh sắn, hay bất cứ thứ quà vặt nào... 

Hơn 70 tuổi, bà tôi ốm, đi viện rồi mất do bị ung thư dạ dày. Trong suốt thời gian bà nằm viện, cả nhà giấu ông. Ông mất chỉ sau bà đúng một tuần. Trong ký ức, tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ông quỳ sụp trước quan tài bà đặt giữa nhà... Sau này lớn lên, tôi mới hiểu, thế nào là cảm giác mất đi người thân yêu nhất, quen thuộc nhất với mình.

Ông bà nội tôi có tất cả 5 người con trai. Hai cụ không sống cùng gia đình người con nào, do ông chỉ ưng mỗi cách chăm sóc của bà và cũng chỉ có bà nội chiều được ông, dù bác dâu cả nhà chúng tôi rất đảm đang, tháo vát. Bà mất đột ngột là một cú sốc lớn đối với ông, dù cả ngày ông càm ràm bà, ca thán điều này, điều kia... Có lẽ, chỉ tới khi bà mất, ông mới thấy được mình cô độc, lẻ loi, không còn điểm tựa quen thuộc mỗi ngày.

Muôn nẻo tình già - Ảnh 2.

Cụ ông Đặng Lực (80 tuổi) và cụ bà Trần Thị Sơn (76 tuổi), được con cháu chụp hình nhân kỷ niệm hơn 50 năm ngày cưới. Ảnh: Phan Tuấn Anh

"Tình già ở những cặp vợ chồng có hôn nhân bền vững, tình thương nhiều hơn tình yêu, giống như một thói quen rất khó bỏ, rất khó bắt đầu lại với ai khác. Năm nay cô chú gần 70, cả cuộc đời, dù bị cô gặng hỏi thế nào, chú cũng chưa khi nào nói câu "Anh yêu em" với cô", cô Loan Ái, 67 tuổi tâm sự.

Cô Loan Ái cũng là hàng xóm gần nhà tôi. Mỗi ngày cô lên chùa tụng kinh từ 6h tối, tới khoảng 8h là về. Chồng cô - cựu phó hiệu trưởng một trường Đại học tại TP.HCM, thường canh giờ vợ tan, đứng đón cô tại cổng chùa, rồi nắm tay vợ, cùng tản bộ về nhà.

Muôn nẻo tình già - Ảnh 3.

Anh Lưu Xuân Đức chụp bộ hình ghi lại tình cảm của ba mẹ mình trong sinh hoạt hàng ngày.

"Hồi trước đi bộ vào buổi sáng sớm cũng vậy, lúc nào chú cũng phải nắm tay cô dù cô cảm thấy rất ngại khi bị mọi người nhìn vào. Cô bảo chú, mình già rồi cầm tay nhau giữa đám đông thấy kỳ kỳ sao đó, nhưng chú nhất quyết không buông tay cô ra", cô Ái chia sẻ.

Những khi đi bộ cùng tôi, cô Ái hay hái hoa lan ven đường đem về tặng chú. Cô bảo, ở ngôi nhà cũ, cô trồng tới ba cây ngọc lan vì chú rất thích loại hoa này. Tình yêu ở những cặp vợ chồng lớn tuổi chỉ nhẹ nhàng, thầm lặng, sâu lắng như thế, có lẽ vì họ đã cùng nhau trải qua đủ hỉ - nộ - ái - ố trên đời. Không gì có thể chia cắt tâm hồn họ, kể cả cái chết.

"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở" với các đôi "rổ rá cạp lại"

Hàng xóm gần nhà tôi còn có cô Kim. Năm nay cô Kim 74 tuổi nhưng vẫn đẹp rực rỡ do cô vốn là con lai Việt - Pháp. Dáng cô cao, da trắng, rất ít nếp nhăn, đường nét khuôn mặt cũng rất thanh tú. Ở tuổi thất thập, cô tâm sự "bây giờ cô mới có cảm giác biết yêu và được yêu thật sự là như thế nào".

Bạn trai cô là một người đàn ông ngoại quốc. Cả hai quen biết khi cô sang Mỹ thăm con gái, bị dính dịch Covid nên kẹt lại tới hai năm. Cả hai hẹn hò, tìm hiểu qua lời giới thiệu của người con gái. Tình cảm đậm sâu tới mức cô đã chuyển hẳn từ nhà con gái qua sống chung cùng bạn trai hơn mình 2 tuổi.

"Ở tuổi này, tất nhiên khao khát thể xác vẫn còn nhưng không nhiều bằng những cử chỉ quan tâm, lời nói và hành động yêu thương nhau. Tụi cô hay đưa nhau đi chơi, đi mua sắm, về nhà nấu ăn cùng nhau, dọn dẹp nhà cửa cùng nhau... Lần đầu tiên cô biết thế nào là run rẩy khi được nắm tay, con ạ", cô Kim tâm sự với tôi.

Thời trẻ, cô Kim lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ. "Chồng cô vừa gia trưởng, vừa bất tài. Sống với nhau tới năm 40 tuổi, khi con cái đã trưởng thành, cô ly hôn để tự giải thoát. Từ đó tới nay, sau hơn 30 năm sống độc thân, đây là lần đầu cô biết thế nào là cảm giác được yêu", người phụ nữ 74 tuổi tâm sự.

Muôn nẻo tình già - Ảnh 4.

Cô Thủy - chú Long, cặp vợ chồng U70 tại TP.HCM, luôn "nắm tay nhau đi khắp thế gian".

Tuy nhiên, không phải mối tình già nào cũng êm đềm. Nhiều người, thời trẻ không tới được với nhau, họ nhung nhớ nhau cả đời. Đến khi có cơ hội gặp lại, hạnh phúc khi chạm tay được, hóa ra không đẹp như họ tưởng.

Chị Hoa vừa đón anh trai từ Phú Yên trở về Hà Nội ở tạm nhà mình một thời gian để trấn tĩnh tinh thần. Người anh của chị năm nay ngoài 60 tuổi, vẫn còn giảng dạy tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Thời trẻ, ông cũng cưới vợ theo sự sắp đặt của gia đình nên trong lòng luôn ôm ấp mối tình không thành với cô bạn thời đại học.

"Chê vợ quê mùa, cục mịch, học thức thấp, cả đời anh tôi coi thường chị dâu. Anh chị có duy nhất một lần ngủ cùng nhau và sinh ra cháu trai tôi bây giờ. Còn lại, trong suốt mấy chục năm chung sống, mỗi người ngủ một phòng. Chị vẫn vẹn toàn cơm nước, chăm sóc gia đình. Mỗi sáng, thức dậy, chị đã đặt sẵn ở gần giường anh cà phê, phở, bánh cuốn hay tô cháo sườn... Anh chỉ việc ăn sáng, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo chị đã chuẩn bị sẵn rồi đi làm. Bao nhiêu năm, họ sống lặng lẽ như thế và anh tôi vì sĩ diện mà nhất định không ly hôn, giải thoát cho chị dâu", chị Hoa chia sẻ câu chuyện của anh mình.

Cho đến một ngày, vị giáo sư tìm lại được liên lạc của bạn gái thời đại học qua Facebook. Cả hai chia sẻ, trò chuyện, tâm sự nhiều đêm. Người xưa đã ly hôn chồng, con cái ổn định, sống đời độc thân thảnh thơi. Tình xưa trỗi dậy, họ hẹn dành một tuần ở bên nhau tại một resort ở Phú Yên.

Muôn nẻo tình già - Ảnh 5.

Tuy nhiên, không phải "tình già" nào cũng đẹp như mộng tưởng. Ảnh tư liệu

"Anh tôi kể, hai ngày đầu, họ rất hạnh phúc, xao xuyến sau mấy chục năm mới gặp lại. Nhưng tới ngày thứ ba, anh tôi bắt đầu thấy lạc lõng. Anh vốn gia trưởng, ở nhà quen được vợ con chiều chuộng, hầu hạ. Khi gặp lại người xưa, phải chiều chuộng lại những sở thích của chị, anh không quen và thấy khó chịu. Nếu như ở nhà, sáng ra, anh có sẵn đồ ăn sáng với ly cà phê, thì ở bên bạn gái, anh phải thức dậy từ 5h sáng, chạy bộ, tập thiền, sau đó ăn chay theo chị, tối phải đi ngủ từ 8h trong khi anh tôi vốn thức khuya, và vẫn hay được chị dâu tôi chuẩn bị đồ ăn khuya mỗi đêm. Ăn chay, ngủ chay, tập thiền... cùng bạn gái được đến ngày thứ 5, anh chịu không nổi, gọi điện cho tôi tới đón về", chị Hoa nói.

Chị Hoa cũng chia sẻ, sau trải nghiệm này, anh trai chị thấy thương yêu, tôn trọng vợ mình hơn. "Anh bảo dành một thời gian ở nhà tôi để suy nghĩ về việc sẽ nói lời xin lỗi và bù đắp ra sao cho vợ để chị ấy không thiệt thòi", chị Hoa cho biết.

"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở"- điều này có lẽ đặc biệt đúng đối với những "mối tình già", khi mà cả hai dành cả tuổi trẻ bên nhau và dành hết quãng đời trung niên và tuổi già để tưởng nhớ nhau. Nhưng có những thứ tình cảm chỉ nên để tôn thờ, bước qua một lằn ranh giới, mọi điều đẹp đẽ có thể sẽ tan vỡ. Chẳng vậy mà cách đây một thế kỷ, chí sĩ Phan Khôi từng viết:

"Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính chuyên thuỷ chung!

...Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau:

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được?

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi".

(Trích "Tình già" - Phan Khôi)