Dân Việt

"Chảy máu" nhân lực y tế ở Đồng Nai: Loay hoay tìm phương án giữ chân bác sĩ, điều dưỡng (bài cuối)

Nha Mẫn 22/06/2022 06:03 GMT+7
Ngành y tế đưa ra nhiều phương án như tăng thêm các khoản thù lao, giao khoán tự chủ tài chính rõ ràng cho các bệnh viện,… để giữ chân bác sĩ, điều dưỡng giỏi tại các bệnh viện công lập.

Y, bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện công loay hoay tìm cách tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên

Trước thực trạng cán bộ, nhân viên y tế đua nhau nghỉ việc, thời gian qua, lãnh đạo ngành y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã liên tục tìm các giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, phương án đưa ra chủ yếu là tạo thêm việc làm cho nhân viên y tế, mở thêm khu khám, điều trị dịch vụ để tăng thêm thu nhập cho những người muốn gắn bó với bệnh viện công lập.

Loay hoay tìm phương án giữ chân bác sĩ, điều dưỡng (Bài 2) - Ảnh 1.

Y tế công lập khó khăn trong việc giữ chân bác sĩ giỏi. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cụ thể, ông Phan Văn Huyên - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, lương ở y tế công lập thấp nên để giữ chân bác sĩ, điều dưỡng,… phải nâng cao thu nhập cho họ, có thu nhập cao, ổn định, họ mới an tâm cống hiến. 

Ông Huyên cho biết, mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã đưa vào sử dụng khu khám và điều trị theo yêu cầu chất lượng cao gồm 200 giường bệnh nội trú và khu khám bệnh dịch vụ với đầy đủ các chuyên khoa. 

"Mục đích bệnh viện xây dựng khu khám và điều trị cao cấp theo yêu cầu nhằm đa dạng các dịch vụ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đồng thời tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế", ông Huyên giải thích.

Với khu khám, điều trị dịch vụ, Bệnh viện Long Khánh đã mời các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở TP.HCM về bệnh viện khám, điều trị cho người dân xen kẽ theo ngày. Ngoài ra, cũng thông qua hợp tác này, các chuyên gia sẽ vừa chuyển giao kỹ thuật cao, vừa đào tạo nhân lực cơ hữu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. 

"Về lâu về dài người dân sẽ tiếp cận được với phương pháp điều trị tốt, được thăm khám bởi các y, bác sĩ có tiếng phía nam. Song song đó thông qua học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thì bác sĩ của bệnh viện cũng làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, nâng cao tay nghề,…”, ông Huyên cho biết.

Ông Huyên nói thêm, để nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút bệnh nhân đến với bệnh viện. Có như vậy, bệnh viện mới có nguồn thu và thu nhập của nhân viên y tế mới đảm bảo.

Loay hoay tìm phương án giữ chân bác sĩ, điều dưỡng (Bài 2) - Ảnh 2.

Tìm mọi phương án giữ chân bác sĩ ở lại với y tế công lập. Ảnh: Tuệ Mẫn

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cũng chia sẻ, thời gian qua bệnh viện phải thực hiện tự chủ tài chính nhưng dịch bệnh triền miên, số bệnh nhân đến khám chữa trị ít hơn, nguồn thu của bệnh viện giảm mạnh. Hiện bệnh viện cũng cố gắng tìm mọi phương án, nâng cấp công tác khám chữa bệnh để có thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên y tế. Nhưng hiện thu nhập vẫn chưa được cải thiện nên họ vẫn rời đi.

“Một bác sĩ làm giỏi, có tiếng ở bệnh viện công lập chỉ có thu nhập khoảng 10 triệu/tháng nhưng ở bệnh viện tư cao hơn cả 4 - 5 lần thì làm sao họ không chọn bệnh viện tư cho được. Giờ ngoài việc các bệnh viện phải tăng cường, nâng cao chất lượng để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên thì nhà nước cần có cơ chế lương ưu đãi hơn cho đội ngũ y tế công, gấp đôi hiện nay may ra mới giữ chân được họ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cần có cơ chế riêng không để y, bác sĩ nghỉ việc

Chung cảnh ngộ với Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. BS CKII Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện giảm đáng kể. Do lượng bệnh giảm, nguồn thu giảm nên thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên y tế cũng giảm nhiều. 

“Bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính nhưng suốt nhiều tháng liền bệnh nhân đến khám bệnh giảm. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân sản khoa giảm mạnh do bệnh nhân có nhiều lựa chọn do đó, việc cân đối nguồn thu để chi cho nhân viên y tế là cực kỳ khó vì vậy thu nhập giảm khiến nhiều người phải xin nghỉ”, ông Tuấn cho hay.

Từ thực tế trên, ông Tuấn cho biết để tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu để vừa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân vừa tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều năm nay tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc rất nhiều, nhất là bác sĩ giỏi.

Loay hoay tìm phương án giữ chân bác sĩ, điều dưỡng (Bài 2) - Ảnh 3.

Nhân viên y tế áp lực công việc cao, thu nhập thấp. Ảnh: Tuệ Mẫn

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều bệnh viện tư nhân mở ra nên đã dùng mọi phương án để thu hút bác sĩ và điều dưỡng giỏi về với mức lương cao để sử dụng ngay. Thậm chí, để thu hút các bác sĩ ngoại khoa và sản khoa, các bệnh viện tư còn chấp nhận trả tiền đền bù cho họ. Điều đó khiến cho nhiều bệnh viện công bị mất đi nhân lực giỏi, chảy máu chất xám, mất đi lực lượng hùng hậu, vốn là chủ lực.

"Ngoài vấn đề thu nhập, cần nhất là phải có cơ chế thoáng hơn, giao quyền tự chủ lớn hơn, rõ ràng hơn cho các bệnh viện để họ có thể lo được cho cán bộ, nhân viên của mình".

Ông Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai

Cũng theo ông Trung, Đồng Nai mới chỉ thực hiện được các chính sách để thu hút bác sĩ về đầu quân cho địa phương. Cụ thể như chính sách thu hút bác sĩ trả tiền một lần tuỳ theo trình độ bác sĩ với số tiền khoảng 100 triệu đồng - 150 triệu đồng; Chính sách đào tạo theo địa chỉ - những con em muốn đi học y thì tạo điều kiện cho các em đi học sau đó tình nguyện về cống hiến cho tỉnh nhà từ 5-10 năm.

"Tuy nhiên, khi thu hút xong rồi thì vấn đề giữ chân bác sĩ vẫn nan giải, vì không có chế độ trả lương đặc biệt với các đối tượng cần thu hút, khó giữ chân bác sĩ và nhân viên y tế có trình độ cao”, ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trung, bất kỳ một nhân viên y tế, bác sĩ, hay điều dưỡng nào khi làm việc đều cần hai yêu cầu song hành là môi trường làm việc và thu nhập. Do đó, việc bác sĩ có nghỉ việc hay bám trụ cũng là do lãnh đạo bệnh viện có phân công nhiệm vụ, tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt cho họ hay không. 

Ngoài vấn đề thu nhập, cần nhất là phải có cơ chế thoáng hơn, giao quyền tự chủ lớn hơn, rõ ràng hơn cho các bệnh viện để họ có thể lo được cho cán bộ, nhân viên của mình

Ví dụ, phải cho các bệnh viện tự chủ giá viện phí, tự chủ nhân sự. Từ đó các bệnh viện phát triển xây dựng giá viện phí phù hợp, xây dựng giá trị thương hiệu thu hút bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập thì mới giữ chân bác sĩ được.

Trong khi đó hiện nay, các bệnh viện dù đã mở các khoa dịch vụ nhưng lại đang thiếu hẳn cơ chế pháp lý làm dịch vụ ở bệnh viện công lập. Hiện Bộ Y tế cũng chưa có thông tư để quy định giá viện phí dịch vụ, chỉ có thông tư giá dịch vụ theo bảo hiểm y tế và giá dịch vụ thông thường, nên đang có rất nhiều rào cản pháp lý. 

Vì vậy, trước mắt việc giữ chân các bác sĩ, điều dưỡng vẫn là do các bệnh viện tự cố gắng xoay xở, còn về lâu về dài cần phải có cơ chế từ Trung ương.