Hiện tỉnh Long An có gần 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An (huyện Bến Lức) là cơ sở với nhiều nỗ lực nâng chất đào tạo.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Hiện, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Long An đang đào tạo 25 lớp trình độ trung cấp, có 662 học viên với 9 ngành/nghề, gồm: Công nghệ ôtô, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp và dân dụng, Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ hàn, Vẽ và thiết kế trên máy tính, Công nghệ may và thời trang, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Kỹ thuật chế biến món ăn.
Học viên Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Long An trong giờ học. Ảnh: Trần Đáng
Bên cạnh đó, Trường luôn quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo về chuyên môn, kỹ năng sư phạm; tự tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên mới bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện nhà trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đúng quy định, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Thầy Trần Văn Đồng, giáo viên môn Công nghệ ôtô chia sẻ, giáo viên của trường luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy mới, hay nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh và nắm chắc các kiến thức đã học, từ đó áp dụng lý thuyết vào thực hành một cách thuần thục. Đây cũng là điều kiện giúp các em sau khi tốt nghiệp có việc làm với tay nghề vững chắc.
Năm 2022, Ban Giám hiệu cùng tập thể viên chức nhà trường quyết tâm tăng quy mô đào tạo lẫn đa dạng về ngành nghề, quy mô tuyển sinh 350 học sinh trình độ trung cấp với 14 ngành.
Không chỉ tập trung dạy nghề công nghiệp, tỉnh Long An cũng đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp. Hiện, Long An có 3 cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gồm: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân và Trường Cao đẳng Long An. Nhìn chung, lao động nắm được kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cao hơn trước khi học nghề. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt tỷ lệ 80%.
Công tác tổ chức nghề lao động được tổ chức khá chặt chẽ, thiết thực hiệu quả, khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần quan trọng vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục nâng chất
Từ nay đến năm 2025, Long An đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 160.000 lao động. Trong đó, có ít nhất 80% số lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư thêm cho các cơ sở giáo dục công lập trong đào tạo các nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn, ẩm thực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập thêm các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với nhiều ngành nghề khác nhau; phân bổ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mua sắm thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Học viên Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Long An trong giờ học. Ảnh: Trần Đáng
Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Long An Lê Văn Thạnh cho biết, trong năm 2022, trường tích cực phối hợp các ngành đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp; cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh trung cấp với 350 học sinh cho 14 ngành/nghề. Trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nhân lực có tay nghề cao cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp theo Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy.
Thời gian tới, trường tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giúp người học có được kiến thức, kỹ năng, môi trường làm việc thực tế và có thể tham gia làm việc tại doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.