Trong bài trước, chúng tôi đã có phân tích việc Hồ Quý Ly không có đủ thời gian để ổn định cục diện, vỗ về dân chúng trước khi có cuộc chiến với nhà Minh. Từ lúc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần cho đến khi bị quân Minh bắt sống tại Kỳ La chỉ vỏn vẹn 6 năm, khoảng thời gian quá ngắn để xây dựng quân đội, thu phục nhân tâm.
Không ít người cho rằng Hồ Quý Ly thực hiện việc cướp ngôi nóng vội, không quan sát kỹ cục diện để cuối cùng chuốc tai vạ cho dòng họ, đẩy đất nước vào cảnh bị phương Bắc giày xéo. Nhưng trên thực tế thì Hồ Quý Ly đã toan tính rất kỹ và lựa chọn thời điểm chớp thời cơ khá thông minh. Chỉ tiếc là tính khéo đến mấy cũng không thể lường hết dòng chảy lịch sử.
Sau khi thượng hoàng Trần Nghệ Tông năm 1394 qua đời thì quyền hành rơi hết vào tay cha con Hồ Quý Ly. Ngay tháng 2.1395, Quý Ly sai giết tôn thất là Nguyên Uyên, Nguyên Dận và sĩ nhân là Nguyễn Phù. Cùng năm, ép vua Trần Thuận Tông Bổ dụng Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính thái sư bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên Trung Vệ quốc đại vương. Rồi lại ép phải cho Quý Ly đeo phù hiệu kim lân, lại được ở tại phía hữu sảnh và đài, đặt tên chỗ ở là "Hoạch Lư". Nhân đấy, Quý Ly biên dịch thiên "Vô dật" ra quốc ngữ để dạy quan gia. Mệnh lệnh ban ra thì xưng là phụ chính cai giáo hoàng đế (theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Đầu 1397, Quý Ly sai Lại bộ thượng thư Đỗ Tỉnh đi Thanh Hoá dựng kinh đô mới. Tháng 4, Quý Ly muốn dời kinh đô vào Thanh Hóa, mới đổi Thanh Hóa làm Thanh Đô trấn, lại đổi Quốc Oai lộ làm Quảng Oai trấn, Đà Giang lộ làm Thiên Hưng trấn, Nghệ An lộ làm Lâm An trấn, Trường Yên lộ làm Thiên Quan trấn, Diễn Châu lộ làm Vọng Giang trấn, Lạng Sơn phủ làm Lạng Sơn trấn, Tân Bình phủ làm Tân Bình trấn. Tháng 10, mùa đông. Quý Ly bắt em nhà vua rời kinh đô vào Thanh Hóa và giết hai người cung nữ.
Khâm Định Việt sử cương mục thông giám chép: Nhà vua đi An Sinh để bái yết lăng tẩm, Quý Ly bắt ép xa giá cùng đi đến sông Đại Lại; lúc ấy cung nhân là Trần Ngọc Kỵ và Trần Ngọc Kiểm nói kín với nhà vua là nếu thiên đô, tất nhiên có việc cướp ngôi. Quý Ly nghe biết chuyện cho rằng viên miếu lệnh là Lê Hợp và viên phụ đạo ở Cổ Lũng là Lương Ông đều đồng mưu, nên giết cả mấy người này. Rồi sai Hành khiển Lương Nguyên Bưu dỡ các điện Thụy Chương và Thiên An bắt dân các châu Từ Liêm và Nam Sách chở gạch ngói và gỗ đến kinh đô mới: khi đi đường thủy, gặp gió bão, bị chìm đắm mất quá nửa.
Các biểu hiện như giết tôn thất, đeo phù hiệu kim lân, đặt chỗ ở và đặc biệt là dời đô đã cho thấy dã tâm cướp ngôi của Hồ Quý Ly. Tuy nhiên, Quý Ly có thể chưa dám vì sợ việc thí ngôi của mình tạo cớ cho Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phát động chiến tranh.
Năm 1398, khi Minh Thái Tổ ốm rồi mất và cháu là Minh Huệ Tông lên ngôi thì trong năm đó, Hồ Quý Ly đã thực hiện việc ép con rể mình là Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho cháu ngoại của mình là Trần Thiếu Đế để đi tu đạo. Sử chép: “Lúc ấy Thái tử mới 3 tuổi, khi nhận tờ chiếu truyền ngôi, không biết lạy. Quý Ly sai Thái hậu (tức con gái của Hồ Quý Ly) lạy đằng trước để Thái tử theo sau. Quý Ly tự xưng là Khâm đức Hưng liệt đại vương”.
Hồ Quý Ly cho cháu ngoại ngồi ngai vàng được gần 2 năm nữa mới ép nhường ngôi. Sử chép: Tháng 2, mùa xuân (1400). Quý Ly truất nhà vua làm Bảo Ninh đại vương, Quý Ly tự xưng hoàng đế. Tại sao Quý Ly lại chọn đúng 1400 mới chính thức soán ngôi mà không làm sớm hơn hay muộn hơn? Đó là vì Quý Ly nhân lúc Trung Quốc đại loạn khi quân đội triều đình của Minh Huệ Tông đang đánh nhau tưng bừng với quân Yên của Chu Đệ (từ giữa tháng 7.1399). Hồ Quý Ly muốn tranh thủ lúc đó cướp ngôi thì người Minh đang bận đánh nhau sẽ không có tâm trí nhòm ngó nước ta.
Nhưng tiếc là Quý Ly dù tính toán giỏi nhưng không ngờ được rằng cuộc nội chiến ở Trung Quốc lại kết thúc chóng vánh. Các cuộc nội chiến ở Trung Quốc thời Tam Quốc, Nam Bắc triều hay Ngũ Hồ thập lục quốc, Ngũ đại thập quốc phải mất cả trăm năm hay ít nhất vài chục năm mới kết thúc. Ngay cả Chu Nguyên Chương cũng phải mất hơn 10 năm mới đánh bại được quân Nguyên và các thế lực cát cứ khác để tạo lập nhà Minh. Còn Chu Đệ từ lúc phát động đảo chính tại Bắc Bình cho đến khi tiến quân vào Nam Kinh, lật đổ Kiến Văn hoàng đế, tức Minh Huệ Tông thì chỉ mất có 3 năm.
Cuối 1401, có vẻ như Hồ Quý Ly đã đoán định được cuộc chiến chóng vánh từ Trung Quốc nên đi nước cờ nhường ngôi cho Hồ Hán Thương. Sở dĩ Hồ Quý Ly không truyền ngôi cho con cả Hồ Nguyên Trừng mà truyền ngôi cho con thứ Hán Thương là vì mẹ Hán Thương vốn là con gái vua Trần Minh Tông. Như thế thì việc để Hán Thương nối dòng họ Trần sẽ dễ ăn nói hơn với cả dư luận trong nước cũng như đối phó khủng hoảng ngoại giao, tránh tạo cớ cho nhà Minh bắt bẻ. Thế nên ngay khi Hán Thương lên ngôi thì việc đầu tiên là: Hán Thương sai sứ sang nhà Minh nói dối là dòng dõi họ Trần đã tuyệt tự, xin lấy danh nghĩa là cháu ngoại tạm quản lý công việc trong nước.
Nhưng Chu Đệ cũng cáo già và nuôi dã tâm bành trướng lớn. Sau khi lên ngôi vào 1402 thì Chu Đệ bắt đầu sinh sự với lý do Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Cuối cùng là cuộc chiến không tránh khỏi theo đúng quy luật bang giao giữa ta và các triều đại Trung Quốc phong kiến: Mỗi khi nước ta có việc thay đổi triều đại thì triều đình phương Bắc kiếm cớ can thiệp thô bạo vào nước ta với mục đích cuối cùng là áp đặt nền đô hộ.