Chuyển động Nhà nông 22/6
Từ đầu tháng 6, các vườn vải trứng tại các huyện Phù Cừ, Ân Thi (Hưng Yên) bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, về cơ bản vải trứng đã được thu mua và tiêu thụ hết với giá cao. Theo các nhà vườn trồng vải ở xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, giá vải trứng năm nay trung bình từ 100.000-150.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 180.000 đồng/kg. Tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 230 ha trồng vải trứng. Loại quả đặc sản này được trồng chủ yếu tại huyện Phù Cừ và một phần diện tích ở huyện Ân Thi. Năm nay, sản lượng vải trứng ở hai địa phương này đạt gần 100 tấn và lần đầu tiên quả vải trứng được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Số lượng xuất đi chưa nhiều nhưng đây là nguồn động viên lớn đối với người trồng vải ở Hưng Yên.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt gần 2,77 triệu tấn, tương đương trên 1,35 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 489 USD/tấn, lần lượt tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Philippines vẫn là thị trường lớn hàng đầu khi chiếm gần 46% tổng lượng và chiếm 43,6% tổng trị giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Trung Quốc, chiếm trên 14% tổng lượng và chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường tăng khá mạnh như: châu Phi đã tăng hơn 76% so với năm trước, Bờ Biển Ngà tăng 37%, Malaysia tăng 19%, Mozambique tăng 47%… Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi gạo chất lượng cao như Mỹ hay các nước trong khối EU như: Đức, Thụy Điển, Bỉ, Ba Lan…
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ có xu hướng gia tăng. Trong đó, mặt hàng đặc biệt gia tăng mạnh được điểm tên là đường cát. Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết đường nhập lậu đang bán giá rẻ hơn so với đường trong nước từ 2.000 - 3.000 đồng, lại không phải đóng thuế, khiến đường trong nước không cạnh tranh được, gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam. Để đảm bảo việc kiểm soát đường nhập khẩu, phân biệt giữa đường nhập khẩu và đường sản xuất trong nước, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường, Bộ Tài chính vừa có đề xuất Chính phủ gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Việc dán tem đường nhập khẩu do doanh nghiệp tự thực hiện ngay tại khu vực cửa khẩu, dưới sự giám sát của cơ quan hải quan và trước khi thông quan hàng hóa.
Tại phiên họp lần thứ 83 của Ủy ban An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật diễn ra từ ngày 22-24/6 tại Thụy Sĩ, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ làm việc với phía EU nhằm thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long, các loại rau gia vị, đậu bắp, ớt và thực phẩm ăn liền. Với Trung Quốc, SPS Việt Nam đề nghị làm rõ các tiêu chí Trung Quốc trong việc đáp ứng Lệnh 248, Lệnh 249, đồng thời phối hợp rà soát hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau tháng 6/2023 và mở cửa thị trường cho một số nông sản như sầu riêng, khoai lang... Ngoài ra, đoàn Việt Nam sẽ làm việc với Brazil về phụ gia thực phẩm thủy sản, chế độ xử lý nhiệt sản phẩm tôm đã chế biến); Ả Rập Xê-út về mở cửa lại thị trường cho thủy sản nuôi trồng như tôm, cá tra; Pakistan về quy định Aflatoxin trong chè; Vương quốc Anh về làm rõ mẫu chứng nhận kiểm dịch thực vật mới. Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát MRLs với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là cơ sở để SPS Việt Nam đề nghị EU giảm tần suất kiểm tra thanh long cũng như một số sản phẩm xuất khẩu khác .