Chuyển động Nhà nông 23/6
Sau khi nhập khẩu khối lượng kỷ lục vào năm 2021, nhu cầu hồ tiêu tại Mỹ và EU tiếp tục tăng lên trong những tháng đầu năm nay. Trong đó, Việt Nam đứng đầu về cung cấp với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu hồ tiêu tại hai thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới này vẫn không hề suy giảm trước các biến động từ ngoại lực. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 28.671 tấn hồ tiêu với trị giá gần 142,3 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 5,5% về lượng và tăng 61% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng tiêu nhập khẩu từ Việt Nam tăng tới 25,3% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 21.170 tấn. Hiện Việt Nam đang nắm giữ 74% thị phần hồ tiêu tại Mỹ, tăng mạnh so với con số 63% của cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 114 nghìn tấn cao su, tương đương 195 triệu USD, tăng 46% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng 4. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cao su ngày càng tăng cả về lượng và chất, tuy nhiên diện tích và sản lượng cao su của Việt Nam gần đây liên tục giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp. Điều này dẫn đến, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su. Luồng cung nhập khẩu này được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 5 tiếp tục tăng 28,7% về lượng và tăng 148,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 132.624 tấn, trị giá 87,8 triệu USD.
Qua đó đưa tổng xuất khẩu phân bón trong 5 tháng đầu năm lên mức kỷ lục 759.812 tấn với kim ngạch chạm ngưỡng 500 triệu USD, tăng 32,1% về lượng và tăng tới 2,7 lần về kim ngạch so với cùng kỳ.
Như vậy, chỉ sau 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã gần bằng cả năm ngoái. Năm 2021, cả nước xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn, thu về 559 triệu USD.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, nguồn cung cá toàn cầu sẽ tăng 32% trong giai đoạn 2011-2030, đạt 204 triệu tấn. Theo tổ chức này, đến năm 2030, sản lượng cá đánh bắt sẽ bị hạn chế và giảm từ 10%, thay vào đó sẽ được thay thế bằng cá nuôi trồng. Qua đó, dự báo sản lượng nuôi trồng đạt 109 triệu tấn, tăng 32% so với năm 2018 trong khi sản lượng đánh bắt đạt 95 triệu tấn, tương đương năm 2018. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng là cá rô phi, cá chép, cá tra và tôm. Theo Ngân hàng Thế giới, dân số toàn cầu và GDP toàn cầu tăng lần lượt là 20,2% và 17,4% trong giai đoạn 2010 - 2030, có khả năng làm tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cá bình quân. Sản lượng tiêu thụ cá bình quân đầu người hằng năm dự kiến sẽ tăng từ 17,2 kg lên 18,2 kg trong giai đoạn 2010-2030. Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng tốt của tiêu thụ thủy sản, Chính phủ Việt Nam mong muốn duy trì vị trí dẫn đầu trong kế hoạch phát triển chiến lược đến năm 2030. Theo đó, sản lượng thủy sản Việt Nam dự kiến đạt 9,8 triệu tấn, đóng góp bởi 7 triệu tấn sản lượng nuôi trồng và 2,8 triệu tấn sản lượng đánh bắt. Mục tiêu tăng trưởng đạt 14 tỷ USD vào năm 2030 cao hơn nhiều so với mức 8,9 tỷ USD vào năm 2021.