Chiều 29/6, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí trước kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh.
Tại cuộc họp, bà Hoàng Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức trong 2 ngày làm việc.
Trong đó ngày đầu tiên sẽ khai mạc, thông qua toàn bộ báo cáo, tờ trình, Ban HĐND báo cáo thẩm tra; ngày họp thứ 2 sẽ thông báo về kết quả thảo luận tổ, chất vấn…
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh sẽ có nhiều vấn đề nóng được chất vấn gồm: Giải pháp nào để chủ động phòng chống, ngăn ngừa tình trạng đuối nước ở trẻ em; giải pháp phát huy hiệu quả các công trình cấp nước nông thôn và đáp ứng yêu cầu cấp thiết về nước sạch ở nông thôn; việc xây dựng và thực hiện văn hóa công sở hướng tới một nền hành chính thật sự “hiện đại, thân thiện, chuyên nghiệp và hiệu quả””; việc khắc phục tình trạng ngập nước ở các tuyến đường đô thị đã và đang diễn ra; giải pháp giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần để đảm bảo quyền lợi lâu dài và bền vững cho người lao động.
Trong buổi họp báo, vấn đề báo chí quan tâm chủ yếu xoay quanh việc tăng học phí, căn cước công dân, đất đai, tình trạng nhân viên y tế ồ ạt nghỉ việc,…
Về vấn đề học phí, bà Hoàng Thị Bích Hằng cho biết, trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đồng Nai chưa nhận được tờ trình liên quan đến việc tăng học phí của ngành giáo dục Đồng Nai trong giai đoạn tới. Do đó, hiện tại, Đồng Nai vẫn chưa tăng học phí, giữ mức học phí cũ vì đang giai đoạn "bão giá".
Còn vụ nhiều người dân phản ánh tình trạng làm căn cước công dân, đã đóng 26.000 đồng với mục đích bưu điện đưa căn cước về tận nhà mà sau đó căn cước vẫn “mất tích” hoặc phải chủ động ra công an nhận, đại diện Phòng PC06 Công an tỉnh Đồng Nai cho biết việc người dân nhờ bưu điện chuyển căn cước về nhà là thỏa thuận giữa hai bên và do người dân tự nguyện.
"Hai bên có làm hợp đồng với nhau nên khi không nhận được căn cước, người dân nên đến bưu điện để tìm và hỏi thông tin cụ thể. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bưu điện gửi về thì người dân thay đổi địa chỉ lưu trú, có trường hợp thông tin chưa đúng nên chưa có căn cước...", đại diện PC06 thông tin.
Còn vấn đề người dân phản ánh chờ mãi không có căn cước công dân và không biết tìm ở đâu, đại diện công an tỉnh cho biết giai đoạn đầu làm căn cước thu thập dữ liệu dân cư khó khăn. Do đó, có trường hợp công dân ở nhà tự khai, có trường hợp nhờ người nhà khai dẫn đến sai sót. Sau đó, dữ liệu Đồng Nai truyền ra không trùng khớp với dữ liệu cũ nên không thể hoàn thành việc cấp căn cước công dân.
"Nếu sai dữ liệu thì phải mời người dân lên làm lại nhưng do lực lượng thiếu nên cũng không thể gọi cho từng người để báo được. Vì thế, công dân nào chờ lâu quá hãy chủ động gọi cho công an để được kiểm tra, trả lời cụ thể", đại diện PC06 nói thêm.
Riêng tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc ồ ạt, phía Ban Văn hoá - Xã hội tỉnh Đồng Nai nói rằng hiện Đồng Nai cũng có những phương án, chính sách thu hút hỗ trợ nhân lực cho ngành y tế công lập. Sắp tới sẽ tham mưu, đề xuất thêm các chính sách về lương, thu nhập cho nhân viên y tế để giữ chân họ ở lại lâu dài với y tế công lập.