Dân Việt

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài: Dự chi gần 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng

Linh San 22/06/2022 15:21 GMT+7
Các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.4333 tỷ đồng sẽ do TP.HCM và Tây Ninh chi trả.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 53,5 km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7 km, còn lại đi qua tỉnh Tây Ninh. Hiện tại, các địa phương đang khẩn trương bố trí vốn để giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) cho biết, các cơ quan chuyên môn đang tổ chức thẩm định nội bộ trước khi tham mưu UBND TP ký trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, dự kiến trong tháng 7.

Trong khi đó, Sở GTVT Tây Ninh cho hay, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 15.900 tỷ đồng.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài: Dự chi gần 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Ảnh: L.S

Trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng 7.433 tỷ đồng (chiếm 47% tổng vốn đầu tư được ngân sách nhà nước hỗ trợ). Tây Ninh dự chi 1.532 tỷ đồng, còn lại TP.HCM chi 5.901 tỷ đồng.

Ngoài ra, 53% số vốn còn lại (8.467 tỷ đồng) bao gồm chi phí xây dựng, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư sẽ được kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT. Dự án được Chính phủ giao cho UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện năm 2022 – 2027.

Theo các chuyên gia, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đóng vai trò quan trọng, dự án hình thành sẽ phá vỡ thế độc đạo tuyến quốc lộ 22B. Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cùng với các dự án giao thông đang triển khai sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM – Campuchia.

Đồng thời, dự án sẽ kết nối Tây Ninh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cải thiện năng lực thông hành cho trục đường nối từ TP.HCM qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Cao tốc này cũng đi qua hai huyện Hóc Môn, Củ Chi, nơi đang được tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông để tăng tốc phát triển kinh tế. 

Từ đó, góp phần chia sẻ lưu lượng và phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có tuyến cao tốc nói riêng và của khu vực nói chung.