Koubemba từng ra sân ở hai hạng đấu cao nhất của bóng đá Pháp trong màu áo Amiens hay Lille. Trung phong 29 tuổi dành nhiều lời khuyên cho Quang Hải về viễn cảnh thi đấu tại Ligue 2.
- Để có thể thi đấu tốt ở Ligue 2, điều quan trọng nhất với mỗi cầu thủ là gì?
- Thành thật mà nói, theo quan điểm của tôi, sức mạnh về thể chất là điều quan trọng nhất khi bạn thi đấu ở Ligue 2. Nếu bạn không thể có trạng thái thể lực và thể hình ngang ngửa hay vượt trội các cầu thủ khác, bạn cần đến những vũ khí khác.
Nền tảng kỹ thuật cá nhân là một ví dụ. Nếu bạn không nhanh hay khỏe bằng các đồng nghiệp, bạn cần vượt trội hơn họ về mặt kỹ thuật cá nhân. Nếu nhỏ con, bạn cần chơi bóng thông minh hơn.
Theo quan điểm của tôi, Ligue 2 đòi hỏi cao về thể lực hơn so với nhiều giải đấu khác ở cấp độ tương đương. Tất nhiên, là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, bạn vẫn có thể thành công ở môi trường đó nếu bạn chơi bóng thông minh.
- Nguyễn Quang Hải, cầu thủ của ĐTQG Việt Nam, sắp chuyển sang Ligue 2 chơi bóng. Anh đánh giá thế nào về cơ hội thành công của Quang Hải?
- Như tôi đã nói, Ligue 2 là giải đấu đòi hỏi cao về thể lực và thể hình. Nếu Quang Hải chuyển sang Metz, cậu ấy có thể thành công vì đây là một CLB mạnh, vừa chơi ở Ligue 1 mùa trước. Hiển nhiên giống như nhiều CLB khác ở Pháp, Metz ưa chuộng nhiều cầu thủ có sức mạnh, thể hình thể lực tốt. Tuy nhiên, họ cũng có nhiều cầu thủ chơi kỹ thuật và nếu Quang Hải được trao cơ hội, được HLV sử dụng hợp lý và đúng vị trí, cậu ấy có thể thành công.
Sự hỗ trợ của các đồng đội cũng rất quan trọng. Nếu các đồng đội khác tạo cho cậu ấy nhiều khoảng trống và cơ hội để khẳng định mình, Quang Hải có thể để lại dấu ấn.
- Tại sao không nhiều cầu thủ châu Á thành công ở Ligue 2?
- Điều đầu tiên đó là bởi vì số lượng cầu thủ châu Á sang thử sức ở Ligue 2 chưa nhiều. Thứ hai, đó là bởi bóng đá châu Á có nhiều khác biệt so với châu Âu, đặc biệt là ở Ligue 2. Theo tôi, các cầu thủ châu Á ưa chuộng lối chơi phối hợp nhỏ, sử dụng nhiều kỹ thuật cá nhân. Trong khi đó, Ligue 2 là một giải đấu thiên về sức mạnh.
Tất nhiên, bóng đá là một môn thể thao toàn cầu và biết đâu trong tương lai, sẽ có thêm nhiều cầu thủ châu Á thành công tại Ligue 2. Chúng ta không thể nói trước điều gì. Chỉ cần bạn có tài năng, bạn có thể thi đấu ở bất cứ giải đấu nào.
- Tốc độ các trận đấu ở Ligue 2 như thế nào? Đâu phải ngẫu nhiên mà giải đấu này ưa chuộng các cầu thủ châu Phi?
- Tốc độ các trận đấu ở Ligue 2 rất cao. Trận đấu ít khi bị dừng lại và mọi thứ luôn có xu hướng được đẩy lên cao hơn. Các đội bóng luôn có xu hướng chơi đôi công và ăn miếng trả miếng liên tục. Để có thể "sống sót" ở Ligue 2 hay Ligue 1, bạn phải chuẩn bị thật tốt về mặt tốc độ và thể lực.
Điều đó cũng mang lại lợi ích là nếu bạn quen thuộc với cường độ và tốc độ thi đấu của giải, bạn sẽ trở thành một cầu thủ khác, tốt hơn về mặt thể chất lẫn tinh thần. Cơ thể và tâm trí bạn sẽ quen với cường độ thi đấu cao và bạn tiến bộ hơn.
Tôi có lời khuyên cho Quang Hải thế này: Nếu cậu ấy chưa quen với tốc độ của giải đấu trong 2 hay 3 tháng đầu, không có gì phải lo lắng. Cậu ấy có thể cần 6 tháng đầu để thích nghi và làm quen với Ligue 2.
Bạn luôn cần thời gian để thích nghi với tốc độ trận đấu, với môi trường mới, với các đồng đội và mọi thứ. Để thành công ở Ligue 2, bạn cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Phải đi từng bước một.
- Ngôn ngữ cũng là vấn đề với các cầu thủ châu Á tại Ligue 2?
- Tất nhiên nếu bạn học được tiếng Pháp để giao tiếp thì quá tốt. Lời khuyên của tôi đó là bạn có thể bắt đầu bằng việc nói tiếng Anh nếu chưa thạo tiếng bản xứ. Nếu bạn nói tốt tiếng Anh thì bạn cũng không cần quá lo lắng về việc học tiếng Pháp trong thời gian đầu. Về chuyện giao tiếp với HLV, kinh nghiệm của tôi là bạn cần nói chuyện thẳng thắn với họ.
Tất nhiên ban đầu bạn cần lắng nghe kỹ những gì HLV nói. Nếu bạn không hiểu chỉ dẫn hay điều gì đó từ HLV, bạn cần nói thẳng. Nếu bạn chưa sẵn sàng cho vai trò nào đó, bạn cũng cần nói thẳng. Nếu họ bảo bạn chạy 10 vòng quanh sân, trong khi bạn chỉ chạy được có 5, hãy nói. "Bây giờ tôi chỉ chạy được có 5 vòng thôi, trong tương lai mọi thứ sẽ khác" - kiểu như vậy. Văn hóa bóng đá Pháp là thế.
- Đồ ăn và những vấn đề khác thì như thế nào?
- Có lẽ không cần phải quá lo lắng về đồ ăn, bởi ẩm thực Pháp với tôi luôn rất tuyệt vời. Ở những khía cạnh khác, bạn luôn cần thời gian và sự bình tĩnh để hòa nhập và thích nghi.
- Áp lực thi đấu ở Ligue 2 như thế nào?
- Tất nhiên áp lực ở giải đấu là rất lớn. Nhưng bóng đá ở mọi nơi đều giống nhau, ở đâu cũng có áp lực. Thành thực mà nói, khi tôi còn thi đấu ở Ligue 2, mọi chuyện rất căng thẳng nếu bạn để thua hay thi đấu không tốt.
- Liệu một tiền vệ tấn công nhỏ con từ châu Á có thể tỏa sáng tại bóng đá Pháp?
- Bóng đá Pháp ngày càng ít những "số 10", thậm chí "số 8". Các đội bóng giờ chuộng những cầu thủ tiền vệ box-to-box (con thoi), có thể chơi ở mọi vị trí trên hàng tiền vệ, hỗ trợ tấn công lẫn phòng ngự. Những dạng cầu thủ như Kante. Tôi cho rằng Metz có thể là lựa chọn tốt và khôn ngoan với Quang Hải.
Theo tôi biết, cậu ấy là một mẫu cầu thủ "số 10" hoặc "số 8" của đội bóng và có thể tạo ra sự khác biệt, nếu cậu ấy được các đồng đội khác hỗ trợ. Những cầu thủ "số 6" (tiền vệ phòng ngự - PV) có thể sẵn sàng tắc bóng và tranh chấp sau đó chuyền cho cậu ấy làm phần việc của mình.
- Cuối cùng, lời khuyên của anh dành cho Quang Hải tại Ligue 2 là gì?
- Cậu ấy phải là chính mình. Hãy tập trung vào bản thân mình trước. Đừng tạo cho mình quá nhiều áp lực. Tất nhiên, cậu ấy phải làm việc chăm chỉ hơn, chạy nhiều hơn, tranh chấp nhiều hơn. Đừng lo lắng nếu gây thất vọng trong thời gian đầu.
Từ kinh nghiệm của tôi, bạn cần ít nhất 6 tháng để bắt nhịp và làm quen, nhằm đạt phong độ cao nhất ở Ligue 2. Tất nhiên ai cũng mong rằng cậu ấy có thể nhanh chóng tỏa sáng trong 1 hay 2 tháng đầu. Điều đó sẽ tuyệt vời, nhưng nếu không, chẳng có gì phải lo cả. Đừng tự tạo áp lực cho mình.
Kevin Koubemba trưởng thành từ lò đào tạo của Amiens, CLB đang chơi ở Ligue 2. Chân sút gốc Congo từng ra sân 31 trận ở Ligue 2 trong màu áo Bourg-en-Bresse Peronnas, Amiens hay Brest. Anh ghi được 5 bàn thắng. Tiền đạo 29 tuổi chuyển sang Lille thi đấu vào năm 2015 và có 8 lần ra sân ở Ligue 1. Sau đó, anh có giai đoạn chơi bóng tại Azerbaijan hay Malaysia.