Dân Việt

Nghề nuôi cá lồng ở nơi có nhiều hồ chứa nhất Việt Nam

K.Nguyên 27/06/2022 06:30 GMT+7
Thanh Hóa, Đắk Lắk là hai địa phương có số lượng hồ chứa lớn nhất cả nước (610 và 599 hồ). Ở hai địa phương này đã và đang phát triển các mô hình nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Nghề nuôi cá lồng đang phát triển mạnh ở Đắk Lắk, Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 610 hồ chứa nước, trong đó 2 hồ lớn tầm quan trọng cấp quốc gia (hồ thuỷ điện Cửa Đặt, hồ sông Mực); 10 hồ chứa quan trọng cấp tỉnh (hồ Hao Hao, Yên Mỹ, Tây Trác, Đồng Bể, Cống Khê…; 68 577 hồ chứa nhỏ, chức năng chính của hồ là tích nước, ngăn lũ, phát điện, cung cấp nguồn nước tưới và nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có nghề nuôi cá lồng.

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang được nhiều tổ chức, cá nhân ở Thanh Hóa quan tâm phát triển. 

Hiện tại có 265 lồng nuôi, tập trung ở các huyện: Thường Xuân, Thạch Thành, Triệu Sơn; đối tượng nuôi là cá trắm cỏ, chép, cá rô phi, cá trắm đen, cá vược, nuôi thâm canh, đầu tư thức ăn công nghiệp, năng suất: 2 – 3 tấn/ô lồng/năm.

Còn tại Đắk Lắk, diện tích mặt nước có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản trên 42.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay phát triển thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh, giá trị ngành thủy sản mới chỉ đạt khoảng 3% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Theo thống kê đến cuối năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 13.050 ha, sản lượng nuôi trồng 25.500 tấn/năm, sản lượng khai thác 1.700 tấn/năm.

Nghề nuôi cá lồng ở nơi có nhiều hồ chứa nhất cả nước - Ảnh 1.

Nghề nuôi cá lồng đang phát triển ở Đắk Lắk. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lăng nha trong hồ tròn trên đập Krông Buk Hạ, (huyện Krông Pách, Đắk Lắk). Ảnh: N.Chương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 964 lồng nuôi cá chủ yếu là: Cá diêu hồng, cá tầm, cá lóc, cá lăng đuôi đỏ, cá bống tượng, cá chim trắng và cá rô phi. 

Toàn tỉnh có 03 cơ sở nuôi cá tầm gồm: Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam-Đắk Lắk tại hồ thủy điện Buôn Tua Srah, huyện Lắk; Trang trại cá tầm Trường Toàn tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông và Cơ sở nuôi cá tầm của ông Trần Hữu Bắc tại Thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông. Tổng số lượng cá thả nuôi tại 03 cơ sở này khoảng 200.000 con cá tầm.

Hiện nay việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp một số khó khăn do thủ tục cấp phép đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hồ chứa thủy lợi khá phức tạp.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều hồ thủy điện lớn có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản nhưng việc quản lý, khai thác các công trình hồ thủy điện do ngành Công Thương quản lý, lại chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương nên việc cấp phép, cho chủ trương đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện đang còn bất cập.

Nghề nuôi cá lồng ở nơi có nhiều hồ chứa nhất cả nước - Ảnh 2.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 964 lồng nuôi cá chủ yếu là: Cá diêu hồng, cá tầm, cá lóc, cá lăng đuôi đỏ, cá bống tượng, cá chim trắng và cá rô phi. Ảnh: N.Chương.

Áp dụng công nghệ cao trong nuôi cá lồng

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản xuất trên cơ sở nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm; đồng thời ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn nước trong nuôi trồng và chế biến sản phẩm thủy sản. 

Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.

Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đồng thời phát triển nuôi cá hồ chứa gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch, tham quan…

Để phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, đề xuất Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ NNPTNT đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đặc biệt thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ. 

Đưa ra các phương án thống nhất vừa đảm bảo cho các hoạt động thủy lợi vừa tận dụng mặt nước phát triển nuôi cá hồ chứa và có chích sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư đầu tư phát triển nghề nuôi cá hồ chứa. 

Làm việc, thống nhất với Bộ Công Thương trong vấn đề điều tiết nước, cơ chế chính sách nhằm kêu các nhà đầu tư tận dụng mặt nước thủy điện (miền núi) để phát triển kinh tế.

Trong khi đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở NNPTNT xây dựng Đề án phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Tổng cục Thủy sản có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng trên sông, trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện.