Cách lựa chọn trang phục của bà đều chú trọng đem lại vẻ trang nhã, nhẹ nhàng, mang đậm phong cách riêng. Thậm chí, giờ đây khi nhìn lại, người ta vẫn thấy chúng vô cùng hợp mốt.
Nam Phương Hoàng hậu (1914 – 1963), tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là vị Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn. Bà xuất thân từ một gia đình Công giáo giàu có của miền Nam và cũng hưởng thụ nền giáo dục của nước Pháp ngay từ nhỏ. Đồng thời, bà là người phụ nữ thứ 3 của nhà Nguyễn được phong tước vị Hoàng hậu khi còn sống.
Vị hoàng hậu cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam không chỉ được hậu thế nhắc nhớ bởi lòng nhân từ và phẩm hạnh cao quý mà còn bởi hình ảnh thời trang vô cùng thanh nhã.Bà được nhiều người "thần tượng" cả trí tuệ và nhan sắc. Là một phụ nữ quý tộc có học thức, tiếp thu văn hóa phương Tây và hấp thụ tinh hoa phương đông từ gia đình.
Theo những ảnh tư liệu còn lại, Hoàng hậu Nam Phương mặc đẹp cả trang phục truyền thống và trang phục Tây phương. Hoàng hậu tôn nghiêm trong hoàng phục với áo rồng mũ phượng. Đẹp cao quý với áo dài truyền thống. Bà thường chọn vòng cổ, hoa tai, cài áo để kết hợp cùng áo dài. Cũng có hình ảnh hoàng hậu mặc áo dài, đội khăn chít.
Trong những bộ âu phục đương thời, Nam Phương Hoàng hậuvẫn giữ vẻ đẹp đài các, sang trọng. Những đường nét Á Đông trên gương mặt dường như đồng điệu hoàn hảo với phục sức phương Tây. Hoàng hậu đeo vòng cổ ngọc trai, đội mũ lệch và mặc những chiếc váy dài qua gối.
Là một người phụ nữ từng du học nhiều năm ở Pháp, Hoàng hậu Nam Phương có gu thời trang được Tây hóa. Điển hình như set áo lụa đỏ, chân váy bút chì màu kem có hình son môi này. Đây là set đồ minh chứng cho các phối đồ sành điệu của bà.
Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại - vị Vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam. Nam Phương Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914 tại Gò Công nay thuộc thị xã Gò Công (Tiền Giang). Cha bà, cụ Nguyễn Hữu Hào một người giàu có bậc nhất tại miền Nam. Mẹ bà, cụ Lê Thị Bình là con gái Lê Phát Đạt - một trong 4 người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ. Bà mang quốc tịch Pháp và có tên Pháp là Jeanne Mariette Thérèse. Bà cùng người chị ruột sống tại Sài Gòn cho đến năm 12 tuổi thì sang Pháp theo học tại ngôi trường nữ danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris. Ngày 20/3/1934 hôn lễ của bà và Vua Bảo Đại được cử hành tại Huế. Bốn ngày sau, lễ tấn phong hoàng hậu diễn ra rất trọng thể tại điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Nguyễn Hữu Thị Lan tước Nam Phương hoàng hậu. Ở cương vị Hoàng hậu, Nam Phương đã giúp cho vua Bảo Đại trong các hoạt động ngoại giao, đón tiếp các quốc khách, giao thiệp với Pháp. Không ở trong thâm cung như các hoàng hậu cung phi khác, với tư cách đệ nhất phu nhân, bà được giao làm các công việc xã hội, khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, giúp đỡ người nghèo, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Sau nhiều năm chung sống, bà có với vua Bảo Đại 5 người con gồm 2 hoàng tử và 3 công chúa. Ngày 30/8/1945, Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn, Huế, trao quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế. Hoàng hậu Nam Phương rời khỏi Đại Nội ra sống ngay tại khách sạn Morin, lúc này đây khách sạn duy nhất trong kinh đô Huế để chờ đợi thời cơ sang Pháp, cũng như tránh khỏi cuộc chiến chính trị trong Đại Nội. Ngày 1/1/1947 Nam Phương Hoàng hậu cùng các con sang Pháp. Ngày 14/9/1963, Nam Phương Hoàng hậu qua đời tại Pháp, đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản. Đám tang vỏn vẹn chỉ có các Hoàng tử, Công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. |