Tuần qua, thêm 10.000 ca sốt xuất huyết, 12 ca tử vong
Theo Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Nguyễn Vũ Thượng, trong tuần 25 (20-26/6), cả nước ghi nhận thêm 10.000 ca sốt xuất huyết và 12 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì sốt xuất huyết lên 42 ca. Ca mắc và tử vong đều tập trung chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Như vậy, sau buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại Viện Pasteur TP.HCM vào ngày 13/6 vừa qua, chỉ sau 2 tuần, TP.HCM và khu vực phía Nam đã có thêm 6 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Quận 8 là một trong những địa bàn có dịch sốt xuất huyết tương đối phức tạp tại TP.HCM. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện quận 8 liên tiếp nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện, bắt đầu từ tháng 5, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị liên tục gia tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện. Tuần 25 ghi nhận tại bệnh viện có 106 ca sốt xuất huyết trong đó 34 ca nội trú, 72 ca ngoại trú; tăng hơn 83 % so với trung bình bốn tuần trước là 59 ca.
Khó khăn của đơn vị hiện nay là nhân sự tại các khoa điều trị sốt xuất huyết mới và trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các ca sốt xuất huyết nặng nên tỷ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên vẫn còn cao.
Là một trong những tuyến cuối về nhi khoa của TP.HCM và khu vực phía Nam, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận 1.739 bệnh nhi sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, trong đó khoảng 35% số ca phải nhập viện điều trị với 369 ca sốc sốt xuất huyết. Tại bệnh viện đã có 7 trường hợp trẻ tử vong do sốt xuất huyết.
Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, mặc dù vẫn đang kiểm soát được tình hình, nhưng bệnh viện gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng.
Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc sốt xuất huyết lại chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán. Do đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị thực tế cho người bệnh.
Số ca tăng vọt, bệnh viện quá tải
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, 2 tuần nay số ca sốt xuất huyết tăng vọt, bệnh viện đang đối mặt với tình trạng quá tải. Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM Lê Mạnh Hùng cho biết, chỉ trong sáng nay 27/6, số ca sốt xuất huyết tại bệnh viện là 394 ca, trong đó 27 ca bệnh nặng (10 ca trẻ em, 17 người lớn), 6 ca đang thở máy.
Hiện tại, các khoa nhiễm (A, D, E) của bệnh viện đều phải nhận bệnh nhân sốt xuất huyết, các khoa đều phải kê thêm giường ngoài hành lang vì quá tải. Bên cạnh đó, bệnh viện đang phải "gánh" 20 ca hồi sức cấp cứu do uốn ván nên số giường cấp cứu cho bệnh nhân sốt xuất huyết càng bị thu hẹp.
Theo bác sĩ Hùng, thời điểm tới số bệnh nhân sốt xuất huyết dự kiến vẫn tiếp tục tăng, các bệnh viện địa phương, bệnh viện tuyến dưới cần đẩy mạnh việc điều trị bệnh nhân tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, trừ những trường hợp khẩn cấp.
Tính đến thời điểm này, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có một bệnh nhân đang mang thai 18 tuần tuổi. Đáng chú ý, đã có 7 bệnh nhân quá nặng, đều trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng, viêm cơ tim, gia đình xin về để lo hậu sự, trong đó có một thai phụ đang mang thai 10 tuần và 2 trẻ em.
Bệnh sốt xuất huyết đang trong tình trạng đáng quan ngại. Mùa mưa đến là giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm. Hơn thế nữa, triệu chứng phân biệt sốt xuất huyết lại dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, nhất là Covid-19. Các chuyên gia nhận định, hiện nay, nhiều người cứ thấy sốt là test Covid-19. Mặc dù có kết quả âm tính nhưng người bệnh hoặc thân nhân chần chừ, chủ quan không đi khám, nhiều trường hợp nhập viện trễ, bệnh nhân vào sốc nặng, nguy kịch. Tình hình dịch sốt suất huyết diễn biến phức tạp, dự kiến số bệnh nhân nhập viện có thể gia tăng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam đang có những diễn biến phức tạp, khả năng sẽ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Một trong những vấn đề quan trọng mà Thứ trưởng Sơn yêu cầu là cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân.
"Các bệnh viện tuyến trên cần thường xuyên tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế tuyến dưới, đặc biệt là các phòng khám tư bởi đây là nơi người dân thường lui tới nhiều nhất. Việc tập huấn, hội chẩn từ xa cần thực hiện liên tục để nhân viên y tế không "quên bài", tăng năng lực điều trị sớm cho người dân, hạn chế nguy cơ tử vong", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và cho biết, trong buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM chiều nay, Bộ sẽ xem xét việc thành lập Ban chuyên môn phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam.