Dân Việt

Chu Đệ xử lăng trì 3.000 cung nữ: Thảm án được lật lại từ 1 chi tiết đặc biệt này

PV 28/06/2022 15:41 GMT+7
Vì sao hậu thế lại cho rằng vụ thảm án giết gần 3.000 cung nữ này có vấn đề?

Trong số những hoàng đế nhà Minh (Trung Quốc), Chu Nguyên Chương là nhân vật được hậu thế nhắc đến nhiều nhất vì sự hà khắc của mình. Không chỉ có Chu Nguyên Chương, Chu Đệ (Minh Thành Tổ, hoàng đế thứ 3 của nhà Minh) cũng nổi tiếng với không ít những câu chuyện 'tai tiếng".

Trong đó, phải kể đến một câu chuyện gắn liền với vị hoàng đế này là Minh Thành Tổ từng hạ lệnh xử lăng trì gần 3.000 cung nữ. Sự việc này còn được ghi chép lại trong sách sử của Triều Tiên. Đây đích thực là hành động cực kì dã man. Vậy, rốt cuộc sự thật là như thế nào?

3.000 CUNG NỮ BỊ XỬ LĂNG TRÌ CÙNG LÚC

Khi đó, một phi tử của Minh Thành Tổ tên Lã Thị đã lén lút quan hệ bất chính với một thái giám sau lưng hoàng đế. Sau khi chuyện này bại lộ, Minh Thành Tổ nổi trận lôi đình. Ông đã cho người đi bắt hết những người có liên quan đến Lã Thị để thẩm vấn, điều tra. Sau quá trình thẩm vấn, có một cung nữ của Lã Thị đã khai ra.

Chu Đệ xử lăng trì 3.000 cung nữ: Hậu thế quyết lật lại thảm án từ 1 chi tiết đặc biệt này - Ảnh 1.

Phi tử Lã Thị quan hệ bất chính với thái giám và âm mưu tạo phản khiến Minh Thành Tổ 'nổi điên' giết hết những người liên quan. (Ảnh: Baidu)

Thì ra, phi tử này không những có nhiều hành vi 'vấy bẩn' hậu cung mà còn đang âm thầm cấu kết với những phần tử khác, có mưu đồ tạo phản. Minh Thành Tổ vốn là 1 hoàng đế có được ngôi vị nhờ việc tạo phản, do đó, ông càng thêm cảnh giác với tất cả những kẻ có ý đồ như mình năm xưa. Dù kế hoạch này chưa được thực hiện nhưng Lã Thị vẫn không thể tránh khỏi tội chết không có đất dung thân.

Không chỉ có mình Lã Thị, tất cả những người có liên quan đến vị phi tử này đều bị xử tử, từ đây mới có câu chuyện Minh Thành Tổ xử lăng trì đến chết gần 3.000 cung nữ được nhiều người biết đến.

Tuy câu chuyện này được nhắc đến nhiều, nhưng vẫn có khá nhiều người hoài nghi về tính chân thật của sự việc này. Điểm khiến câu chuyện trở lên khó tin chính là chi tiết gần 3.000 cung nữ. Việc Minh Thành Tổ xử lăng trì cung nữ có thể là thật, nhưng con số lên đến gần 3.000 quả là khó tin. Theo trang tin 163 của Trung Quốc, câu chuyện này tồn tại khá nhiều điểm mâu thuẫn dẫn đến sự hoài nghi của hậu thế.

CON SỐ 3.000 CUNG NỮ CÓ LÀ THẬT?

Trích 1 chi tiết được ghi chép trong sách sử Triều Tiên về câu chuyện này: "Một hàng 2.800 cung nữ ngồi liền nhau" [chờ xử tử]. Gần 3.000 cung nữ là một con số không nhỏ. Cho dù là xử tử họ bằng hình thức nhanh gọn và phổ biến nhất thời phong kiến - chặt đầu - thì cũng phải cần đến những đao phủ chuyên nghiệp nhất.

Chu Đệ xử lăng trì 3.000 cung nữ: Hậu thế quyết lật lại thảm án từ 1 chi tiết đặc biệt này - Ảnh 2.

Trong kho sử sách Trung Quốc, không có ghi chép về việc Minh Thành Tổ xử lăng trì chết gần 3.000 cung nữ. (Ảnh: Baidu)

Lăng trì được xem là cực hình với mức độ tàn bạo không gì sánh nổi. Nạn nhân sẽ bị xẻo hàng ngàn miếng thịt trên người, chịu đau đớn cực hạn trước khi chết. Trong một số tài liệu, thông thường nạn nhân phải chịu khoảng 3.000 nhát dao thì mới có thể "được" chết.

Lăng trì là một hình phạt phải cần đến những người hành hình có 'tay nghề' cực kì thuần thục mới có thể làm được, bởi thời gian trung bình để lăng trì chết 1 phạm nhân là 3 ngày. Kể cả những đao phủ có kinh nghiệm dày dặn nhất cũng khó lòng lăng trì chết gần 3.000 cung nữ trong thời gian ngắn được.

SỬ SÁCH TRUNG QUỐC KHÔNG NHẮC TỚI

Chuyện xử tử cung nữ không phải là chuyện quá to tát vào thời phong kiến, nhưng với con số lên đến gần 3.000 cung nữ bị xử tử thì không thể gọi đây là chuyện nhỏ nhặt. Thế nhưng sử sách Trung Quốc không có bất cứ tài liệu nào ghi chép về câu chuyện kinh khủng này.

Đăt giả định rằng Minh Thành Tổ muốn che giấu vết nhơ về sự độc ác của bản thân mà đã cố ý can thiệp vào nội dung được viết trong những cuốn sách sử, nhưng những ghi chép về những hành động tàn bạo của những hoàng đế nhà Minh không hề ít. Mọi câu chuyện liên quan đến Chu Nguyên Chương còn được các quan chép sử ghi lại chi tiết, tỉ mỉ. Vậy, không có lý gì họ lại vì e ngại Minh Thành Tổ mà giấu nhẹm chuyện này với hậu thế.

MÂU THUẪN TRONG SỬ SÁCH GIỮA 2 NƯỚC

Về câu chuyện này, sách sử của Triều Tiên có nhắc đến 1 cung nữ tên Kim Hắc. Theo đó, nhân vật này chính là nhân chứng người Triều Tiên chứng kiến việc Minh Thành Tổ xử lăng trì gần 3.000 cung nữ. Thế nhưng, giữa những ghi chép lịch sử của Triều Tiên – Trung Quốc lại có sự mâu thuẫn khi viết về nhân vật này.

Chu Đệ xử lăng trì 3.000 cung nữ: Hậu thế quyết lật lại thảm án từ 1 chi tiết đặc biệt này - Ảnh 3.

Ghi chép về cung nữ là nhân chứng giữa 2 cuốn sử sách có nhiều điểm khác biệt. (Ảnh: Baidu)

Theo sử sách Triều Tiên, cung nữ Kim Hắc từ nhà Minh trở về Triều Tiên vào thời của hoàng đế Minh Nhân Tông (hoàng đế thứ 4 của nhà Minh). Nhưng cuốn "Minh Thật Lục" (biên niên sử của nhà Minh) lại ghi rằng cung nữ Kim Hắc đã lưu lại Trung Hoa cho đến thời của hoàng đế Minh Anh Tông (tức hoàng đế thứ 6 và thứ 8 của nhà Minh) mới quay về Triều Tiên.

Như vậy, thông tin của một trong hai cuốn sử liệu này có thể sai sự thật. Do đó, chỉ dựa vào những ghi chép từ sử sách của Triều Tiên thì chưa thể định đoạt độ xác thực của câu chuyện về Minh Thế Tông lăng trì chết gần 3.000 cung nữ.