Trách nhiệm của chủ tàu cá, thuyền trưởng và lái tàu
Đối với Chủ tàu cá
Đảm bảo tàu cá hoạt động trong vùng biển đã đăng ký; đảm bảo trên tàu cá có đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định. Nắm rõ số lượng thuyền viên, người làm việc trên tàu cá, nơi đăng ký tàu cá, nắm rõ tần số liên lạc của tàu, vùng biển hoạt động (ngư trường) của tàu cá, báo cáo Chi Cục Thủy Sản, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT và TKCN) các cấp khi có yêu cầu.
Yêu cầu thuyền trưởng, người lái tàu cá điều khiển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc gọi tàu về nơi tránh, trú an toàn ngay khi nhận được thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển mà tàu đang hoạt động. Sẵn sàng cho tàu cá đi làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.
Đối với thuyền trưởng và lái tàu
Kiểm tra về trang thiết bị hàng hải, trang bị an toàn, các giấy tờ của tàu cá và thuyền viên trước khi rời bến.
Thông báo vùng hoạt động (ngư trường), số thuyền viên, người làm việc thực tế có trên tàu cá với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới thì phải:
- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, liên lạc chặt chẽ với đài thông tin duyên hải và thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực. Điều khiển tàu thoát ra vùng nguy hiểm.
- Liên lạc thường xuyên và thông báo về vị trí của tàu, số người trên tàu với Chi cục Thủy Sản, Bộ đội Biên phòng, đài thông tin duyên hải nơi xuất phát và nơi gần nhất.
- Khi có tin bão khẩn cấp, phải ra lệnh cho thuyền viên, người làm việc trên tàu mặc áo phao cá nhân và đưa tàu cá đến nơi an toàn gần nhất.
- Khi tàu gặp nạn, phải kịp thời thông báo cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn, cơ quan đăng ký tàu cá. Trường hợp bất khả kháng, phải dỡ bỏ các thiết bị, vật dụng có ảnh hưởng đến an toàn của tàu cá, để kịp đưa tàu cá đến nơi an toàn.
- Chấp hành hướng dẫn neo đậu của người có trách nhiệm thuộc BCH PCTT và TKCN các cấp hoặc Ban Quản lý khu neo đậu.
Đối với chủ ao đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản
Tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của BCH PCTT và TKCN các cấp.
Sơ tán người lao động về nơi cư trú tránh an toàn; tuyệt đối không để ngưởi ở lại ao đầm, lồng bè, bãi nuôi nghêu/ngao khi có bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ.
Hướng dẫn neo đậu tàu và bảo vệ ao đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản
Neo đậu tàu thuyền
Neo đậu tàu thuyền trong khu neo đậu tránh trú bão:
Thả 01 - 02 neo trước mũi tàu, chiều dài dây neo bằng 5 - 7 lần độ sâu nơi thả neo, góc mở giữa hai neo khoảng từ 40 - 90 độ.
Neo đậu tàu thuyền ở khu vực vịnh, đầm, phá ven biển:
Chọn những nơi khuất gió, neo một mình cách biệt với các tàu khác và cách xa các vách đá, thả 01 - 02 neo mũi, chiều dài dây neo bằng 5 - 7 lần độ sâu nơi thả neo.
Đối với tàu thuyền nhỏ, có thể kéo lên bờ cách càng xa mép nước càng tốt.
Neo đậu tàu thuyền trong sông, kênh, rạch
Chọn vị trí khuất gió, quan sát hướng thả neo cho phù hợp
Neo đậu tại các sông vùng miền Trung cần phải hết sức lưu ý đến lũ sau bão, không neo đậu tàu ở giữa dòng sông.
Bảo vệ ao đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản
Đối với ao, đầm nuôi trồng thủy sản: Thu hoạch thủy sản khi đạt kích cỡ thương phẩm. Thường xuyên kiểm tra và gia cố bờ ao, đầm chắc chắn có khả năng chống chịu mưa, lũ.
Đối với lồng bè, nuôi trồng thủy sản: Thu hoạch thủy sản khi đạt lích cỡ thương phẩm. Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ
Đối với các bãi nuôi ngao/nghêu: Thu hoạch nhuyễn thể khi đạt kích cỡ thương phẩm. Gia cố chắc chắn lưới chắn để tránh ngao/nghêu thất thoát.