Dân Việt

Công nghệ bảo quản trái vải của Trung Quốc không thể tưởng tượng được

Huỳnh Xây 01/07/2022 16:55 GMT+7
Đó là thông tin do ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến tham vấn đề án "Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030" do Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NNPTNT) tổ chức tại TP.Cần Thơ vào ngày 1/7.

Ông Tùng nói: "Công nghệ bảo quản trái vải của Trung Quốc không thể tưởng tượng được. Trái vải của họ được bảo quản như thế nào mà đưa đi rất xa, có thể bán tràn đầy ở các nước. Khi xuất sang Mỹ và EU, trái vải rất đẹp, tươi, đỏ".

Công nghệ bảo quản trái vải của Trung Quốc không thể tưởng tượng được - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group đề cập về công nghệ bảo quản trái vải của Trung Quốc. Ảnh: Huỳnh Xây

Còn đối với trái vải Việt Nam, theo ông Tùng, sau khi xử lý đưa qua thị trường trên sẽ bị "bay màu".

Ông Tùng nhấn mạnh, trái cây Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài bán được hay không phần lớn là do công nghệ bảo quản.

"Phải có công nghệ bảo quản tốt, trái cây đến tay người tiêu dùng nước ngoài ít nhất phải 2 tuần, người tiêu dùng đem về nhà ít nhất phải 3 ngày nữa. Trong thời gian này, trái cây phải tươi, đẹp thì người tiêu dùng mới mua, còn không thì người ta không mua" - ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, trong thời gian tới cần nghiên cứu cũng như đầu tư về công nghệ bảo quản cho mặt hàng trái cây cũng như các mặt hàng khác phục vụ cho việc xuất khẩu.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ nói: "Công nghệ bảo quản là điểm nghẽn lớn nhất của xuất khẩu nông lâm thủy sản của vùng ĐBSCL. Các công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới hầu như vùng chưa tiếp cận nhiều".

Theo thông tin cung cấp tại hội nghị lấy ý kiến tham vấn, thị trường EU đang thiếu nhiều mặt hàng của Việt Nam. 

Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản hàng năm của EU.

Theo đa số các đại biểu, các mặt hàng của Việt Nam có thể vào thị trường EU mà không cần đàm phán, nhưng phải đảm bảo yêu cầu hàng rào kỹ thuật khắt khe, tức yêu cầu chặt chẽ về quy trình chất lượng và bảo quản. 

Do vậy, đề án "Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030" sẽ vạch ra các định hướng, hỗ trợ đẩy mạnh việc xuất khẩu sang thị trường này.

Cụ thể là sẽ hỗ trợ phát triển kho lạnh thông minh (tăng thời gian bảo quản) các vùng trồng tập trung, trung tâm logistics, liên kết các doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng lớn và chất lượng tại thị trường EU, thu hút các nhà đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực, xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn,...

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NNPTNT), ĐBSCL có 14 địa điểm tiềm năng để xây dựng kho lạnh thông minh. Trước mặt, đơn vị sẽ đề xuất với EU xem xét tài trợ xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Tương lai, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu, phát triển thêm từ 100 – 200 kho lạnh thông minh khác tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ rau quả phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang EU, Trung Đông.