Gương chiếu hậu thế nào đạt chuẩn?
Gương chiếu hậu là thiết bị được gắn ở xe máy, xe máy điện dùng để người điều khiển phương tiện quan sát phía sau nhằm đảm bảo an toàn mỗi khi chuyển hướng, chuyển làn khi tham gia giao thông đường bộ.
Theo Điểm E khoản 1, khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe ô tô, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển.
Theo Quy chuẩn QCVN 28:2010/BGTVT, gương chiếu hậu cần đáp ứng quy định về kích thước như sau:
- Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69cm2
- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm.
- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120mm x 200mm.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có gương chiếu hậu sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Hơn nữa, người điều khiển buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn (theo điểm a khoản 2, điểm a khoản 7 Điều 16).
Theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 14:2015/BGTVT, xe gắn máy phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Trong khi đó, với xe mô tô phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái để đảm bảo tầm quan sát.
Tuy nhiên, theo Nghị định 100 chỉ quy định mức xử phạt đối với xe máy không có gương bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng từ 100.000 - 200.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 17).
Như vậy, theo quy định Nghị định 100, trường hợp sử dụng gương chiếu hậu không đạt chuẩn hay nói cách khác là có gương chiếu hậu nhưng không có tác dụng có thể sẽ bị xử phạt theo quy định trên.