Ngày 24/6, Sở GDĐT TP.HCM đã công bố điểm thi vào lớp 10 năm 2022 của hơn 92.000 thí sinh dự thi. Đây là năm đầu tiên TP.HCM tính điểm theo cách mới, cả ba môn đều là hệ số 1 để nâng cao vai trò của môn ngoại ngữ.
Môn văn có tổng số bài thi là 92.116, trong đó 82.361 bài thi trên 5 điểm (89,41%). Môn văn có 12 bài thi bị điểm 0. Điểm trung bình là 6,58. Tuy nhiên, 2 môn Toán và Tiếng Anh có tới gần 50% điểm dưới trung bình.
Cụ thể, tổng số bài thi môn toán là 92.074, trong đó 41.774 bài thi dưới 5 điểm (45,37%). Số bài thi bị điểm 0 là 295. Điểm trung bình là 5,17. Môn ngoại ngữ, cụ thể môn tiếng Anh có tổng số bài thi là 91.817, trong đó 41.566 bài thi dưới 5 điểm (45,27%), có một bài thi bị điểm 0.
Điểm thi vào lớp 10 ở TP.HCM với gần 50% số bài thi môn Toán và Tiếng Anh dưới điểm trung bình đang là chủ đề gây hoang mang dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM cho hay: "Trước hết, nhận xét về đề thi vào lớp 10 năm nay, tôi thấy cách ra đề rất hay, theo hướng thực tế và có sự phân hóa rõ ràng. Vì vậy, nếu khó thì khó chung với tất cả học sinh.
Tuy nhiên, môn Toán và môn Tiếng Anh hiện nay đang gây ra tranh cãi. Nhiều người giật mình vì tại sao giữa trung tâm thành phố lớn mà thí sinh lại có điểm Tiếng Anh thấp như vậy. Trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đặt câu hỏi là phương pháp giảng dạy đã tương thích với cách đánh giá chưa?
Vài năm trở lại đây, cách ra đề ở TP.HCM đã gây ra hiện tượng nhiều học sinh có điểm dưới trung bình. Và điều này cho thấy phương pháp giảng dạy của các thầy cô ở cấp THCS đang có... vấn đề, vẫn chưa chuyển hướng một cách tích cực".
Thầy Phú nêu lý do: "Thứ nhất là từ phía phụ huynh. Điểm số cao hầu hết thuộc về các em sống ở trung tâm thành phố và có nguyện vọng vào các trường top trên. Đây là những em có điều kiện gia đình tốt, được đầu tư đi học thêm, có nhiều thời gian ôn luyện các môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Còn những em ở vùng ven thành phố, điều kiện khó khăn hơn, không tiếp cận kiến thức được nhiều nên điểm thấp hơn.
Thứ hai, từ phía thầy cô. Bản thân thầy cô không chịu đổi mới. Thầy cô chỉ bám vào sách giáo khoa, bám khung chương trình để giảng dạy theo đúng tiến độ. Chỉ trước ngày thi 2, 3 tháng, thầy cô mới dành thời gian nhiều để ôn tập cho học sinh. Thời gian ngắn này chưa đủ thấm, chưa đủ trải nghiệm cho học sinh khiến các em không đạt được điểm số như mong muốn.
Tại sao chúng ta hô hào đổi mới nhưng thầy cô vẫn chưa đổi mới? Đó là vì công tác kiểm tra, giám sát của nhà trường và phòng giáo dục chưa linh hoạt, luôn cứng nhắc. Tiêu chí đánh giá luôn nằm ở sách giáo khoa và phân phối chương trình. Các thầy cô vì thế mà không dám vượt rào sáng tạo, phải dạy đúng tiến độ, đúng chương trình, phải làm tròn vai chỉ vì sợ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và bị đánh vào túi tiền là cắt giảm lương.
Theo tôi, nhà trường và phòng giáo dục cần đổi mới cách kiểm tra, đánh giá giáo viên. Người thầy cần được hỗ trợ công tác đổi mới, sáng tạo và lồng ghép kiến thức đời sống. Nhà trường thì cần sưu tầm bài tập, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy.
Thứ ba, đó là đề thi. Nhìn vào cả chặng đường của học sinh THCS, đặc biệt là học sinh lớp 9, chúng ta thấy thầy cô bám chặt kiến thức trong sách giáo khoa để dạy nhưng đề thi lại không bám trong sách. Cả năm trời chăm chỉ học nhưng khi thi lại không "dính" câu nào trong sách giáo khoa là không được. Tôi đề nghị những năm tới, Sở GDĐT nên dành 5 điểm đề thi cho những học sinh học nghiêm túc, bám sách giáo khoa. 5 điểm còn lại là độ phân hóa mạnh từ 6-10 điểm. Em nào học khá được 6, 7 điểm, em học giỏi sẽ được trên 8 điểm. Như vậy, mặt bằng điểm số thấp cũng là 5 điểm. Xã hội nhìn vào phổ điểm màu sắc tươi vui hơn".
Trước thực tế nhiều em là học sinh giỏi 9 năm nhưng khi đi thi vào lớp 10 điểm lại thấp dưới trung bình, thầy Phú cho hay: "Việc kiểm tra và thi tuyển khác nhau. Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ để kiểm tra độ thẩm thấu, hiểu biết bài của học sinh. Còn thi tuyển là để lựa chọn học sinh. Bài kiểm tra ở lớp chỉ có sự phân hóa ở câu cuối cùng nên nhiều em sẽ được 9-10 điểm. Vì vậy, em nào học nghiêm túc, rèn luyện nhiều thì bước vào "cuộc chơi" sẽ đi xa hơn".
Thầy Phú nhấn mạnh: "Phụ huynh hãy bình tâm và đừng đánh đồng việc học sinh giỏi trong lớp với việc đi thi cũng phải đạt 9, 10. Phụ huynh nên hiểu và chia sẻ với ngành giáo dục. Chúng ta không ảo tưởng sức mạnh của con mình mà bình tĩnh chờ kết quả. Với cách ra đề hiện nay, sự phân hóa rõ ràng giúp cho công tác tuyển sinh dễ dàng hơn. Thực tế có những em không giỏi, chỉ học ở mức khá nhưng các em đầu tư quỹ thời gian vào 3 môn thi tốt hơn thì các em đạt điểm số cao hơn".
Chia sẻ về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay của trường, thầy Phú cho biết: "Hiện tại trường đang chờ điểm chuẩn của Sở rồi mới bắt đầu công tác tuyển sinh. Nhà trường sẽ mất vài ngày tư vấn cho phụ huynh việc lựa chọn tổ hợp". Thầy Phú cho hay, hiện nay các trường đang gặp khó khăn trong việc tổ chức môn học lựa chọn. Ví dụ như các môn nghệ thuật thiếu nguồn lực giảng dạy, học sinh thiệt thòi vì các trường không có giáo viên. Nội dung giáo dục địa phương hiện tại không có sách. Nội dung trải nghiệm sáng tạo vừa chưa có sách và thiếu giáo viên. Môn Lịch sử so với chương trình cũ cũng tăng tiết học.
"Bộ GDĐT cần công bố lộ trình tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ thế nào, từ đó phụ huynh và học sinh có căn cứ để lựa chọn môn học, xác định mục tiêu mình cần đến. Bây giờ cho học sinh chọn tổ hợp môn nhưng năm 2025 cách thức thay đổi sẽ khiến các em xoay xở không kịp", thầy Phú nói.
Về căn nguyên, có lẽ do bài kiểm tra trên lớp không theo sát thực tế dẫn đến việc khi kiểm tra điểm cao, nhưng lúc thi chuyển cấp lại bị điểm thấp. Thậm chí do điểm cao trên lớp khiến các con chủ quan hơn. Việc điểm trên lớp và điểm thi chuyển cấp chênh nhau như vậy không phải năm đầu tiên, do vậy cần nhất có sự đổi mới phương thức dạy và học để học sinh bắt kịp xu thế".
- Anh Bùi Ngọc Phúc đồng tác giả cuốn sách "Tư vấn kỳ thi vào 10" -