Dành 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn
Ngày mai (5/7), HĐND TP.Hà Nội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, kỳ họp này cũng sẽ dành 1 ngày (ngày 7/7) để chất vấn và trả lời chất vấn.
Thông tin về nội dung, chương trình kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Việt - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Hà Nội cho biết, kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8/7.
Tại kỳ họp này, HĐND TP.Hà Nội sẽ xem xét 11 báo cáo thường lệ. Cụ thể, HĐND TP.Hà Nội sẽ xem xét báo cáo hoạt động của HĐND TP 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; Thường trực HĐND TP.Hà Nội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 HĐND TP.
HĐND TP.Hà Nội cũng xem xét báo cáo của UBND TP kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2022; báo cáo của UBND TP trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XVI; báo cáo của UBND TP về kết quả công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2022.
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.Hà Nội xem xét 5 báo cáo chuyên đề; xem xét, thông qua 1 Nghị quyết thường lệ.
Đồng thời, HĐND TP.Hà Nội cũng xem xét thông qua 13 nghị quyết chuyên đề; trong đó có 7 Nghị quyết không phải là nghị quyết quy phạm pháp luật, 6 Nghị quyết quy phạm pháp luật.
Trong 6 Nghị quyết quy phạm pháp luật, TP.Hà Nội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết quy định một số khoản thu phí trên địa bàn Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội; Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại nội thành Hà Nội.
Xem xét, thông qua Nghị quyết quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2022-2023.
Tại kỳ họp, HĐND TP.Hà Nội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi (gồm 4 nội dung):
- Nội dung chi, mức chi đặc thù chuẩn bị, tổ chức một số kỳ thi áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của TP.Hà Nội.
- Nội dung chi, mức chi cho việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.Hà Nội.
- Mức chi tiền thưởng đối với giải thưởng của các cuộc thi, hội thi, hội diễn, liên hoan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và các giải thể thao quần chúng do TP.Hà Nội tổ chức và chế độ khi tham gia các giải thể thao quần chúng cấp khu vực và toàn quốc.
- Quy định mức hỗ trợ kinh phí cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Về mức thu học phí, ông Việt cho biết, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí sẽ thực hiện lộ trình để học phí có mức sàn và mức trần đến năm 2025. Nếu Hà Nội không điều chỉnh năm nay thì năm sau sẽ phải tăng gấp đôi.
Với Hà Nội, năm học tới đây sẽ điều chỉnh ở mức sàn trong điều kiện nhân dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sắp tới, TP sẽ có chủ trương hỗ trợ cho học sinh bị ảnh hưởng sau đại dịch.
"Năm trước, chúng ta đã hỗ trợ 1 năm học nhưng chủ trương sắp tới sẽ hỗ trợ. Do vậy nghị quyết để điều chỉnh theo nghị định 81 cùng với nghị quyết để hỗ trợ mức học phí dự kiến sẽ thông qua để bắt đầu cho năm học 2022-2023 sẽ thực hiện", ông Việt thông tin.
Đáng chú ý, theo Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Hà Nội, kỳ họp cũng dành một ngày (ngày 7.7) để HĐND Thành phố thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu HĐND Thành phố và đông đảo cử tri, dư luận và nhân dân quan tâm.
Liên quan đến việc chức danh Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chưa được kiện toàn sau khi ông Chu Ngọc Anh bị bắt có ảnh hưởng gì đến công tác chuẩn bị kỳ họp và chất lượng kỳ họp hay không?, tại buổi họp báo trước kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Phạm Quí Tiên nói: "Đương nhiên là có ảnh hưởng".
Song, ông Tiên cho nhấn mạnh rằng: "Hiện nay, các quy định đã có, cho nên HĐND, UBND TP sẽ thực hiện các công việc của mình thật kỹ để hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng".
Lãnh đạo HĐND Hà Nội khẳng định công tác chuẩn bị cho kỳ họp cũng luôn được bảo đảm. Vì hiện nay, mặc dù chức danh Chủ tịch UBND TP chưa được kiện toàn nhưng Trung ương và TP đã giao ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND TP tạm thời điều hành công việc của UBND TP Hà Nội.
"Trong thời gian chưa kiện toàn được chức danh Chủ tịch UBND TP, công việc này thuộc Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trực tiếp điều hành các hoạt động của UBND TP", ông Tiên nói thêm.
Liên quan đến nội dung rút dự thảo tờ trình quy định hỗ trợ nhân viên y tế, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết, quan điểm của TP là quan tâm đến việc hỗ trợ các y, bác sĩ.
Lý giải nguyên nhân chưa trình dự thảo nghị quyết tại kỳ họp này, ông Nguyễn Ngọc Việt cho biết, liên quan đến hỗ trợ cho con người thì phải làm hết sức cẩn thận. Phải phân định cán bộ y tế thuộc lĩnh vực công, tư, cấp cơ sở, cấp thành phố. Quan điểm của TP là sẽ hỗ trợ sau đại dịch và dự thảo tờ trình sẽ được trình trong thời gian sớm nhất.