Dân Việt

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải việc cần tiêm vaccine mũi 4 và nguy cơ bùng phát dịch khi có biến chủng mới

Thành An 04/07/2022 19:27 GMT+7
Trước những băn khoăn về việc có hay không việc cần phải tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nói rõ quan điểm.

Chiều 4/7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến "việc tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 4" và "nguy cơ bùng phát dịch thì khả năng miễn dịch cộng đồng thời gian tới có thể xảy ra không?".

Tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 4 là cần thiết

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải việc cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 và nguy cơ bùng phát dịch khi có biến chủng mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời câu hỏi của báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ, ngày 4/7. Ảnh: Hoàng Thành.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói rõ: Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm cơ bản vaccine phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. 

Vì vậy tổ chức y tế thế giới và CDC Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine mũi 3, mũi 4 để ngăn ngừa và phòng chống dịch Covid-19 là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên. 

"Trước bối cảnh xuất hiện biến thể Covid-19 mới BA.5 của biến chủng Omicron tại Việt Nam. Đồng thời, dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận số ca mắc Covid-19 đã tăng tại nhiều quốc gia kể từ tháng 4/2022 và gia tăng chủ yếu do lây lan của biến chủng phụ của Omicoron BA.4 và BA.5. 

Vì vậy, nếu khả năng miễn dịch suy giảm trong cộng đồng cùng với việc chủ quan lơ là trong tiêm vaccine cũng như trong phòng chống dịch Covid-19 thì sẽ có nguy cơ bùng phát dịch trở lại", bà Liên Hương nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải việc cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 và nguy cơ bùng phát dịch khi có biến chủng mới - Ảnh 2.

Quang cảnh cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4/7. Ảnh: Hoàng Thành.

Bộ Y tế có hướng dẫn mới về tiêm vaccine Covid-19 mũi 4

Bộ Y tế vừa ban hành công văn mới về hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 với từng đối tượng, liều lượng và loại vaccine cho người từ 5 tuổi trở lên. Riêng mũi 4, hướng dẫn mới này có bổ sung thêm vài đối tượng.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, bộ liên tục cập nhật và ban hành các văn bản hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng trên cơ sở hướng dẫn của nhà sản xuất, khuyến cáo của hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 20/6, để thuận lợi trong quá trình tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng và trên cơ sở các hướng dẫn đã ban hành, Bộ Y tế hướng dẫn về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, cụ thể như sau:

Theo hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế đã mở rộng đối tượng tiêm mũi 4 vaccine Covid-19 gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

4 giải pháp trước mắt để khắc phục thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Về giải pháp trước mắt: Thứ nhất, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về đảm bảo thuốc, vật tư y tế và thanh toán cho phí khám bệnh, chữa bệnh, BHYT.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế. Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương. Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm: “Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, tránh tình trạng tâm lý sợ sai, không dám mua sắm”. Về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Trang thiết bị Y tế”.