Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 799/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình 7 dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 được phân công như sau: Bộ Thông tin và Truyền thông trình dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trước ngày 10/7/2022; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trước ngày 10/7/2022;
Bộ Quốc phòng trình dự án Luật Phòng thủ dân sự trước ngày 10/7/2022; Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 10/8/2022; Bộ Tài chính trình dự án Luật Giá (sửa đổi) trước ngày 10/8/2022; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trước ngày 10/8/2022, trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trước ngày 10/8/2022.
7 dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được phân công cơ quan chủ trì soạn thảo như sau: Bộ Thông tin và truyền thông trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trước ngày 10/01/2023; Bộ Quốc phòng trình dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trước ngày 10/01/2023;
Bộ Xây dựng trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trước ngày 10/02/2023, trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trước ngày 10/02/2023; Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trước ngày 10/02/2023; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước ngày 10/6/2023; Bộ Nội vụ trình dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) trước ngày 10/6/2023.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan.
Tuy nhiên,đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án luật.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án luật này từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4 (10/2022) và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6).