Đạo gia giảng rằng: trong mỗi người đều có ba cái thây ma (“tam thi”), lần lượt là Thượng thi, Trung thi, và Hạ thi. Vì chúng trú ngụ trong thân người, tồn tại cùng với thân người từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, nên mới được ví là trường tồn như Thọ Tinh, sống lâu như Bành Tổ. Chủng thây ma này, do đó, cũng lấy chữ “Bành” làm họ. Ở hồi thứ 27 của Tây du ký, khi Bạch Cốt Tinh khi hoá thân thành ông lão cũng được miêu tả là giống như Thọ Tinh, Bành Tổ.
Trong Thái Thượng Tam Thi Trung Kinh viết: “Thượng thi tên Bành Cư, thích báu vật, ở trong đầu con người; Trung thi tên Bành Chất, thích ngũ vị, ở nơi bụng con người; Hạ thi tên Bành Kiểu, thích sắc dục, ở trong chân con người”. Vì có ba chủng thây ma này, nên khiến con người mê đắm tiền tài vật chất, thích hưởng lạc, lại coi sắc dục là bản tính của mình. Kỳ thực, đó đều là ma!
Văn của Liễu Tông Nguyên thời nhà Đường có nói, ba thứ "thi trùng" này thường rình rập, hễ người ta làm gì lầm lỡ, lén lút thì đến ngày Canh Thân tâu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì vậy người ta tin rằng những sự nóng nảy giận dữ là do “Tam Bành” làm ra.
Trong danh tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi Thuý Kiều bị Mã Giám Sinh lừa gạt mang về Lâm Truy, mượn tiếng là cưới vợ lẽ nhưng thực ra là mua về làm gái lầu xanh. Khi Tú Bà (vợ Mã Giám Sinh) bảo Kiều lạy mình là “mẹ”, Mã Giám Sinh là “cậu” (bố), Kiều mới ngơ ngác phân trần mình đã được cưới hỏi ra sao, “chung chạ” với Mã thế nào… khiến Tú Bà hầm hầm nổi giận:
Mụ nghe nàng nói hay tình
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên
“Này này! Sự đã quả nhiên
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi!”…
Mấy chữ “nổi tam bành mụ lên” này khiến người đọc liên tưởng đến ba cái thây ma trong thân thể mụ đột nhiên trỗi dậy, khiến mụ văng ra những lời tục tĩu và hành hạ Thuý Kiều.
Phật gia tuy không giảng về “Tam Bành”, nhưng cũng đề cập đến ‘thất tình lục dục’ của con người, trong đó có Nộ (giận) là một trong số bảy loại tình cảm thuộc ‘thất tình’. Ngoài ra còn có: hỉ, ái, ố, bi, lạc, dục – mừng, yêu, ghét, thương, vui, muốn, chúng đều là thể hiện của ma tính. Con người sống trong thế tục thường bị các chủng ma tính này can nhiễu tư tưởng, che mờ lý trí, lôi kéo con người hành xử sai lệch với đạo lý. Ví như một người khi tức giận thì mắng cha chửi mẹ, đánh đập vợ con, đấy chính là bị ma can nhiễu vậy. Tu luyện là trừ bỏ ma tính, buông bỏ cái tình này, bồi đắp Phật tính trong mỗi người.
Tiêu đề của hồi thứ 27 trong Tây du ký cũng gọi Bạch Cốt Tinh là ‘thây ma’: “Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng, Đường Tăng giận đuổi Mỹ Hầu vương”. Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, phải chăng cũng chính là ba lần diệt trừ thây ma trong thân người – diệt bỏ Tam Bành? Hạ được Bạch Cốt Tinh, phải chăng hàm ý là khống chế được thất tình lục dục trong thân người vậy?