Có lẽ, chính Anh Tuấn cũng không rõ thời điểm anh bị xếp hạng. Bởi cả đời làm nghệ thuật, từ lúc vào nghề đến bây giờ, mấy chục năm trôi qua, anh chuyên trị vai đểu cáng và chỉ toàn “lĩnh” vai phụ, làm nền cho những nữ chính, nam chính xinh đẹp, khôi ngô.
Chỉ tiếc Anh Tuấn không có ý định viết tự truyện. Nếu anh ra mắt tự truyện chắc chắn sẽ hút độc giả. Nếu là độc giả trẻ họ sẽ nhận ra sau khi đọc tự truyện: Làm diễn viên cũng cực lắm. Chẳng hào nhoáng như họ hằng mơ. Diễn viên được khán giả quen mặt, nhớ tên mà có thời gian từng chạy xe ôm rầm rầm: “Đó là thời điểm mới cưới nhau, kinh tế bí bách, chỉ nghĩ làm sao có tiền mua sữa cho con”, Anh Tuấn nhớ lại. Hai vợ chồng anh từng ở nhà thuê không ít năm trước khi sở hữu ngôi nhà 18 m2, bé ti ti với người ta nhưng quá “happy” với mình.
Anh trải lòng: “Tôi là người rất thích kinh doanh. Ngoài việc diễn ra tôi cũng đam mê kinh doanh. Trong thời gian làm diễn viên tôi đã đầu tư thử sức với việc kinh doanh ở nhiều lĩnh vực và thất bại cũng nhiều”.
Nghe đồn, Anh Tuấn kinh doanh lĩnh vực nào cũng không “trụ” nổi hai năm. Mãi sau, anh mới tìm ra hướng đi phù hợp: Cùng một đồng nghiệp mở nhà hàng chuyên bánh canh ghẹ. Nhắc đến Anh Tuấn bây giờ, ngoài việc nhắc đến “gã đểu cáng nhất phim Việt”, nhiều người còn nhớ tới ông chủ quán bánh canh ghẹ tận tâm, nhiệt tình. Kinh doanh lúc thắng, lúc thua. Trong bão dịch Covid-19 vừa qua, Anh Tuấn thú nhận đã phải bán đi một số thứ để trang trải nợ nần. Nhưng những giọt mồ hôi, nước mắt trong mưu sinh không ảnh hưởng đến đam mê của Anh Tuấn dành cho nghiệp diễn.
Hỏi nam diễn viên: Đã bao giờ chuyện áo cơm đè nặng khiến anh muốn bỏ nghề? Anh chia sẻ: Năm 1998, anh từng từ giã sự nghiệp diễn xuất, để tập trung kinh doanh. Nhưng lý trí không thắng nổi trái tim. Lao vào kinh doanh mà nghiệp diễn vẫn luẩn quẩn trong đầu, không thể đoạn tuyệt. Thế là anh trở lại với nghề.
Quen tay rồi thì cứ làm thôi
Bận bịu với việc làm chồng, làm cha, bận rộn làm chủ quán canh ghẹ ăn khách, nhưng Anh Tuấn vẫn tham gia phim ảnh đều đều và vẫn… chuyên vai đểu cáng. Năm ngoái, khán giả nhắc tới anh với vai Chiến “Chó”, kẻ giang hồ máu lạnh nhưng hiếu thảo, yêu thương cha trong “Hương vị tình thân”.
Năm nay, “Bình minh phía trước”, phim về cuộc đời và sự nghiệp của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mới lên sóng VTV1, người trong nghề hết lời khen vai Lý Tam của Anh Tuấn. Không ít người còn dự đoán đây sẽ là vai diễn “nặng ký” trên đường đua Cánh diều Vàng năm nay.
“Điểm đầu tiên và quan trọng nhất của diễn viên là phải quan sát. Quan sát giúp diễn viên rất nhiều khi hóa thân thành nhân vật. Xã hội muôn hình muôn vẻ, phải chắt lọc những chi tiết, ghim lại trong trí nhớ, để khi cần sẽ mang ra sử dụng. Nhưng phải đam mê thì mới nên làm nghệ thuật vì diễn viên không phải nghề hái ra tiền.
Anh Tuấn nhận mình là người rành mạch. Khác với vợ, nữ diễn viên Nguyệt Hằng, anh không bị “ám” bởi vai diễn. Nhập vai như lên đồng nhưng dứt vai lại trở về chính mình, ngay và luôn. Anh dường như không có khái niệm cần thời gian để “xả vai”. Các đạo diễn cũng hoàn toàn tin tưởng khi giao vai cho Anh Tuấn, có khi chẳng cần casting. Như trường hợp vai Lý Tam, một vai phản diện chính trong “Bình minh phía trước”: “Vai Lý Tam là vai mà đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trực tiếp gọi điện cho tôi để mời tôi tham gia. Sau khi nói chuyện, phân tích về vai và đọc kịch bản, tôi thấy vai này hợp với tôi. Tôi đã từng đóng rất nhiều dạng vai kiểu thế”.
Nhưng không vì dạng vai quen thuộc mà Anh Tuấn xuề xòa, chủ quan. Anh nghiên cứu kỹ kịch bản phim, lắng nghe ý kiến của đạo diễn… Kết quả, Anh Tuấn không chỉ làm tròn vai, mà đã hóa thân xuất sắc trong vai Lý Tam: “Mọi người khen thì tôi cảm ơn, chứ bản thân tôi cũng chỉ làm đúng những gì diễn viên vẫn làm”, “gã đểu cáng nhất phim Việt” vừa cười, vừa đáp bằng giọng trầm ấm, chậm rãi.
Không thể kể hết những vai diễn, những hài kịch tình huống (sitcom) Anh Tuấn đã tham gia trong suốt mấy chục năm làm nghề. Ghi dấu ấn ngay từ những bộ phim truyền hình đình đám thời xa vắng như “Những ngọn nến trong đêm”; “12A và 4H”… đến hôm nay vẫn bền bỉ diễn và được yêu thích. Phần thưởng nào dành cho anh? Liệu anh có mơ tới danh hiệu cao quý?
Anh Tuấn lại cười: “Trong thâm tâm mỗi người ai cũng mong có danh hiệu nào đó. Nhưng với tôi, tôi thấy tôi chưa phải người có khả năng để tiếp cận những danh hiệu”. Lại hỏi anh có buồn không khi khán giả gọi là “gã đểu cáng nhất phim Việt”, anh đáp: “Tôi không buồn vì từ lúc ra trường đến giờ đa phần tôi toàn đóng vai đểu cáng”.
Không giống với nhiều nghệ sỹ khác, khi đã chuyên chính diện lại mơ được phản diện và ngược lại, Anh Tuấn cảm thấy: “Quen tay việc gì thì cứ làm việc đó thôi”. Đừng ngại sông không đủ rộng để bơi. “Đất” của vai phản diện cực kỳ phong phú, cứ xem sự hóa thân của Anh Tuấn đủ thấy: Một tên côn đồ, một kẻ háo sắc, một tay thầy cúng hám tiền, lừa lọc… Vai phản diện cũng có khi làm khán giả rơi nước mắt, bởi không có nhân vật xấu tận cùng, phần Người vẫn le lói trong họ, chỉ cần được đánh thức.
Những vai phản diện của Anh Tuấn sống được trong lòng khán giả nhờ tài năng của nghệ sỹ đã diễn tả nội tâm phức tạp của nhân vật, chứ không phải vì vẻ ngoài bặm trợn, giang hồ. Nếu vào vai phản diện chỉ cần vẻ ngoài thì Anh Tuấn chưa chắc là lựa chọn hàng đầu của đạo diễn.
Anh Tuấn nổi lên nhờ vai phụ và có lẽ cả sự nghiệp diễn viên cùng sẽ tận tâm với vai phụ. Anh chẳng nề hà, chẳng quan trọng vai chính hay vai phụ. “Nếu tất cả đều mong vai chính thì ai là người đóng vai phụ?”, anh nói vui. Với “gã đểu cáng nhất phim Việt”: “Mỗi giây phút xuất hiện trên màn ảnh đều phải làm mọi cách để gây ấn tượng với khán giả”. Bởi được diễn đã là vui. Đã vui thì phải hết mình.
Anh cũng không trách trời không ban cho mình vẻ ngoài “nam thần”: “Hình thức rất quan trọng trong phim ảnh. Từ phim ảnh trong nước đến nước ngoài, những diễn viên giữ vai chính thường rất đẹp, chưa kể khả năng diễn xuất. Nhưng trong một bộ phim, không thể chỉ toàn diễn viên đẹp, hay toàn vai chính. Vẫn cần những diễn viên phụ, cần những vai này, vai kia để làm nền, để diễn tả trọn vẹn kịch bản”. Đến đây, Anh Tuấn vui vẻ kết luận: “Tôi là một trong những người làm nền cho những người đẹp”.
Anh Tuấn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Không sở hữu vẻ hào hoa phải chăng do anh sớm phải vào đời? Nam diễn viên kể: “12 tuổi tôi đã phải lao động để kiếm tiền”. Nghe nói, Anh Tuấn từng theo cha sang Bulgaria, từng ấp ủ hi vọng được học chuyên ngành sân khấu điện ảnh tại xứ sở hoa hồng. Anh cùng cha ruột đã cố gắng bám sống xứ người để nuôi hi vọng.
Nhưng năm 1990, nghe tin Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên, Anh Tuấn nắm bắt cơ hội, trở về Việt Nam đăng ký dự thi. Anh trúng tuyển lớp đào tạo diễn viên kịch nói khóa II của Nhà hát Tuổi trẻ. Duyên nghề và duyên tình của “gã đểu cáng nhất phim Việt” bắt đầu từ đây.
Trời se duyên cho anh chàng có vẻ ngoài hợp với vai phản diện lấy cô vợ xinh đẹp, dịu dàng, thích hợp với những vai chính diện, “câu” nước mắt thương cảm của khán giả. Cặp đôi ấy đã bên nhau 27 năm, trải qua bao sóng gió dập vùi, có lúc đã dẫn nhau ra tòa li dị. Nhưng như trời xui khiến, họ đi nộp đơn li dị vào đúng ngày nghỉ, không bộ phận nào tiếp đón, đành rủ nhau về, cùng nhau đi ăn phở…
Bỗng dưng hai kẻ “trái dấu” từ vẻ ngoài đến tính cách nhận ra: Chia tay là rất dở, tiếp tục sống bên nhau thì tốt hơn. Nếu Nam Cao sống lại, có lẽ ông cũng sẽ “nhặt” chi tiết hài hước, dễ thương này trong cuộc hôn nhân của Anh Tuấn - Nguyệt Hằng đưa vào truyện ngắn, bởi nó bùi ngùi chẳng kém chi tiết Chí Phèo cảm mến Thị Nở từ bát cháo hành.
Ở tầm U50, “gã đểu cáng nhất phim Việt” lại được làm cha. Anh và Nguyệt Hằng cũng chính là cặp vợ chồng đông con nhất làng nghệ sỹ phía Bắc với 4 “nhóc”, đủ nếp, tẻ, trong đó có đứa đã lập gia đình, có đứa còn chưa vào lớp một. Trong gia đình, anh cũng hào hứng được làm nền cho vợ.
“Người ta hay nói anh là chồng của Nguyệt Hằng, chứ không gọi tên, anh có chạnh lòng không?”, tôi hỏi. Chẳng cần suy nghĩ, “gã” chuyên vai phản diện đáp: “Chồng của Nguyệt Hằng là vinh dự chứ. Gọi thế tôi vẫn vui. Vì cô ấy vừa xinh đẹp, lại nổi tiếng”. Hai vợ chồng Anh Tuấn- Nguyệt Hằng vừa cùng tham gia phim “Đấu trí” của đạo diễn, NSƯT Danh Dũng.
Tin vui khi Anh Tuấn tiết lộ: Vợ chồng anh đã không còn ở nhà 18 m2, họ đã đến nơi ở mới “rộng hơn một chút”.