LTS. Cách đây vừa tròn một năm: 0 giờ ngày 9/7/2021, TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội toàn diện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đợt giãn cách dài nhất trong lịch sử chống dịch của TP. Hôm nay, TP.HCM đã sống lại như chưa từng có cơn bão Covid-19 quét qua, nhưng những ngày tháng gian nan, đẫm mồ hôi và nước mắt ấy vẫn chưa nguôi trong ký ức của nhiều người…
Tháng 7/2021, TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, Công ty CP Quốc tế Dony chỉ còn khoảng 20% công nhân làm việc, sản xuất cầm chừng. Những ngày đó, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc doanh nghiệp này tìm đủ mọi cách để công ty vẫn có thể duy trì hoạt động.
"Những ngày đó, điện thoại của tôi "nấu cháo" suốt ngày để xin đối tác thông cảm cho giao hàng trễ, chấp nhận xuất hàng bằng máy bay thay vì tàu biển, chịu lỗ để hoạt động và không trễ hẹn với đối tác", ông Quang Anh nhớ lại.
Đến đầu tháng 10/2021, khi TP.HCM mở cửa trở lại, dù vui mừng nhưng ông chủ Công ty Dony vẫn nơm nớp lo tình trạng mở rồi lại đóng tái diễn.
Nhưng, nỗi lo của ông Quang Anh cũng như nhiều chủ doanh nghiệp khác cuối cùng đã không xảy ra. TP.HCM cùng cả nước từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch từ cuối năm 2021 đến nay và khôi phục dần các hoạt động kinh tế, xã hội.
"Hiện nay, dù vẫn còn nhiều thách thức như giá nguyên vật liệu, chi phí logistics, xuất khẩu… đều tăng, nhưng nhìn chung thì hoạt động của công ty đã hồi phục và phát triển còn mạnh hơn so với thời điểm trước dịch", ông Quang Anh chia sẻ và cho biết công ty đã chuyển xưởng mới về huyện Bình Chánh với cơ sở rộng hơn, hiện đại hơn.
Cũng quãng thời gian này năm ngoái, Công ty 3D Hub Global (quận Bình Tân, TP.HCM), cũng đang thực hiện phương án "3 tại chỗ".
Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global cho biết, để đáp ứng tiêu chí tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng cho người thân công nhân và đảm bảo được tiến độ hàng hóa cho khách hàng, công ty đã đầu tư chi phí mua vật dụng cá nhân, cơm, bồi dưỡng, test hàng tuần... cho công nhân ăn, ngủ tại công ty. Các khoản chi tiêu này khiến chi phí công ty tăng thêm 150.000 đồng/người cho 80 công nhân trong vài tuần liền.
Tuy nhiên, nhờ đồng lòng và thực hiện các giải pháp chống dịch nghiêm ngặt, công ty đã vượt qua dịch bệnh an toàn và đến thời điểm hiện tại đã khôi phục khoảng 90% so với thời điểm trước dịch.
"Bí quyết để "vượt bão" thành công của chúng tôi là tranh thủ khoảng thời gian khủng hoảng do dịch bệnh để rà soát lại hoạt động công ty, tái cơ cấu, giảm bớt chi phí không hợp lý. Từ đó chủ động nâng cấp công ty trở nên linh hoạt hơn, nhạy bén hơn, tạo đà để sẵn sàng nắm bắt thời cơ, cơ hội khi kinh tế Việt Nam hồi phục", bà Phong chia sẻ.
Những ngày TP.HCM phong tỏa để chống dịch Covid-19 cũng để lại những kỷ niệm đáng nhớ cho bà Nguyễn Thị Xuân Mãi - Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Môi Trường WEPAR.
So với 6 tháng đầu năm 2019, con số tuyệt đối về thương mại dịch vụ của TP.HCM đã có quy mô lớn hơn. Điều này thể hiện kinh tế TP đã có bước phục hồi đáng kể so với kế hoạch đề ra.
Để tiếp đà tăng trưởng, chính quyền sẽ tiếp tục chú trọng vào ngành du lịch vì khả năng lan tỏa đến nhiều ngành khác như chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống…" - Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định.
"Thời điểm đó, thành phố làm nghiêm việc kiểm soát đi lại nên công ty gặp khó trong việc vận chuyển. Lao động cũng ngại ra đường và rơi rụng dần. Vì vậy, ngay sau khi thành phố mở cửa thì việc đầu tiên công ty phải làm là tuyển dụng lao động với chế độ đãi ngộ tốt. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay thì công ty cũng đã khôi phục 100% như thời điểm trước dịch", bà Xuân Mãi cho hay.
Không chỉ lĩnh vực sản xuất đã phục hồi, ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ (đóng góp đến hơn 60% cơ cấu tổng sản phẩm địa phương của TP.HCM) càng phục hồi tích cực hơn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho biết: "Sau dịch Covid-19, sau hơn 2 năm bị đè nén, người dân đã rất tích cực ủng hộ quay lại đi du lịch. Đặc biệt, trong tháng 5, 6 này, việc phục hồi gần như hoàn toàn".
Nhận định của ông Quốc Kỳ hoàn toàn có cơ sở khi 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu dịch vụ du lịch tại TP.HCM đạt gần 49.700 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo mức tăng doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú cũng tăng khoảng 40%, đưa tổng mức tăng trưởng nhóm ngành thương mại dịch vụ lên 4,8%.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, kinh tế của thành phố phục hồi sớm hơn so với kỳ vọng, đem lại tín hiệu lạc quan cho thời gian còn lại của năm 2022.
Tuy vậy, theo bà Lệ, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu tăng liên tục và lạm phát kéo theo một số yếu tố bất lợi, ảnh hưởng xấu đến hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố và đời sống nhân dân. Thêm vào đó, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn thường trực và dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng cao so cùng kỳ.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, chỉ số cải cách hành chính còn thấp, công tác lập và điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố còn chậm…
Tròn một năm sau khi TP.HCM phong tỏa để chống dịch Covid-19, tính đến hết quý 2/2022, dữ liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 3,82%, từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV của năm 2021, đến quý I, quý II năm 2022 đã tăng trưởng dương lần lượt 1,88% và 5,73%.
Tình hình thu ngân sách thành phố đạt 61,74% dự toán (238.648,063 tỷ đồng), tăng 17,49% so cùng kỳ…
"Tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố sẽ xem xét, thông qua một số tờ trình của UBND thành phố. Trong đó, có các tờ trình liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, chính sách thu hút, hỗ trợ với các nhân sự làm việc ở cấp xã… Các đại biểu HĐND thành phố cũng sẽ thực hiện giám sát chuyên đề tại kỳ họp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ngoài ra, các đại biểu HĐND thành phố cũng sẽ thảo luận, đánh giá thật kỹ; làm rõ nguyên nhân, đề xuất những giải pháp phù hợp, tạo quyết tâm chính trị cao hơn để vượt qua khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022", Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho biết: "Thành phố phải tập trung hơn nữa các giải pháp cho ngành công nghiệp phục hồi chậm trong 6 tháng, các ngành dịch vụ trọng điểm, cũng như tập trung các giải pháp để phục hồi du lịch, tạo sức lan tỏa, kéo những ngành khác phục hồi và phát triển".
Ngoài ra, để tăng sức hỗ trợ doanh nghiệp, chính quyền TP.HCM cho biết sẽ làm hiệu quả hơn chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Trên thực tế, 6 tháng đầu năm, đã có hơn 92.000 tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân cho vay thông qua chương trình này, tiếp sức cho hơn 6.800 doanh nghiệp tại TP.HCM phục hồi.