Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đặt vấn đề về sự tác động của ùn tắc giao thông đối với sự phát triển của thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Phan Công Bằng, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực giao thông của thành phố thường chiếm 1/4 cả nước nên áp lực hệ thống giao thông rất lớn. Được đánh giá là địa phương ùn tắc giao thông nghiêm trọng, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 6 tỷ USD do ùn tắc.
Trong năm 2020, thành phố có 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, tập trung tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, khu vực trung tâm và cửa ngõ. Kết quả khảo sát tại khu vực cửa ngõ, trung tâm và cảng hàng không cho thấy lưu lượng giao thông tại các giao lộ đã tiệm cận và vượt khả năng thông hành của giao lộ.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng để tác động hành vi, thói quen tham gia giao thông của người dân.
"Việc tổ chức lại hệ thống metro cần cách tiếp cận khác, nếu làm rời rạc từng tuyến như hiện nay thì tới năm 2045 cũng không xong, mà xong cũng khó dùng được", ông Mãi nêu vấn đề.
Hiện tại, quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia với 9 quy hoạch thành phần đã có, nhưng nếu tiếp cận với góc độ kết nối vùng thì tích hợp 9 thành phần thành một đề án kết nối vùng sẽ quyết được những vấn đề cơ bản.
Liên quan đến dự án vành đai 3, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM Võ Trung Trực đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Cụ thể, công tác bố trí tái định cư sẽ được thực hiện trước khi bồi thường. Theo ông Trực, nếu làm song song giữa với bồi thường và tái định cư như hiện nay thì sẽ kéo dài thêm 6 tháng trong trường hợp thu hồi đất của người dân.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường cũng cho biết đang nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội gắn liền với các tuyến đường giao thông. Hiện nhu cầu vốn để tổ chức thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với các khu đất liền kề, lân cận tuyến đường giao thông rất khó khăn vì không thể chi từ vốn ngân sách.
Ông Trực nêu dẫn chứng về đường vành đai 3, hiện có khoảng 2.000 ha đất liền kề, những khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, rất ít dân cư. Nếu thu hồi được để đấu giá đối với 2.000 ha này, thì số vốn dự kiến thu được khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất TP.HCM thí điểm triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỷ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở.
Từ quỹ đất thu hồi, thành phố làm lại quy hoạch, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tổ chức bán đấu giá để thu về nguồn lực lớn để tái đầu tư, phát triển. Dự kiến, đề án này sẽ được Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TP.HCM trong tháng 7.