Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15/7/1922 – 15/7/2022).
Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, ngay từ khi còn là một cán bộ trẻ, mới tham gia phong trào cách mạng, nhưng Đại tướng Lê Hồng Anh đã sớm được nghe những câu chuyện cảm động và rất đáng khâm phục về tấm gương tận tụy, dũng cảm, trí tuệ của Đại tướng Mai Chí Thọ.
"Trong cảm nhận và suy nghĩ của nhiều đồng chí, đồng bào, anh Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) là một nhà lãnh đạo rất sâu sát với đời sống chiến sĩ và nhân dân, rất "tâm lý" với những suy tư, trăn trở và những khó khăn của cấp dưới. Cương quyết, thậm chí quyết liệt với kẻ thù, nhưng với đồng bào, đồng chí, anh Năm Xuân bao giờ cũng thể hiện một thái độ đúng mực, tỉnh táo, mềm mỏng", Đại tướng Lê Hồng Anh bày tỏ.
Từ năm 1940, ông đã bị kẻ thù giam cầm trong nhiều nhà tù cực kỳ khắc nghiệt như: nhà tù Nam Ðịnh, Hỏa Lò - Hà Nội, Sơn La, Khám Lớn - Sài Gòn và cuối cùng là nhà tù Côn Ðảo cho tới ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Thế nhưng, cũng chính trong nơi tận cùng tăm tối và gian khổ ấy, người chiến sĩ cách mạng Mai Chí Thọ đã có dịp được gần gũi và học được thêm nhiều điều tốt đẹp từ những bậc đàn anh đáng kính như bác Tôn Ðức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Phạm Hùng...
Đại tướng Mai Chí Thọ sinh ra ở Nam Định nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó máu thịt với Nam bộ. Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM là nơi Đại tướng gắn bó lâu nhất và có những cống hiến to lớn, với tất cả trí tuệ và tình cảm sâu nặng của mình.
Sau Hiệp định Genève, Đại tướng Mai Chí Thọ không tập kết ra Bắc mà xin ở lại miền Nam để tiếp tục chiến đấu. Rồi từ đó, ông miệt mài cùng các đồng chí của mình xây dựng mạng lưới tình báo chiến lược, đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đặc biệt, sau ngày đất nước thống nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, ôngđã cùng lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo cho ngành thương nghiệp tìm mọi cách khai thông nguồn hàng giữa thành phố và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thông qua hình thức "liên kết, trao đổi hàng đổi hàng". Đây là sáng tạo hợp lý và hợp lòng dân.
Chính cách làm này đã nhanh chóng trở thành một phong trào và không dừng lại ở ngành thương nghiệp mà lan tỏa ra hầu hết các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện. Điều này đã kích thích phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang trong tình trạng khan hiếm trầm trọng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Đại tướng Mai Chí Thọ là người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, vị Đại tướng đầu tiên của ngành công an, cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.
Điểm lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi hơn 70 năm của Đại tướng Mai Chí Thọ, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định, hình ảnh đọng lại trong lòng nhân dân, cán bộ chiến sĩ về Đại tướng là hình ảnh của một lãnh đạo gần gũi thân thương, chí tình chí nghĩa.
Nhiều sự kiện lịch sử đã gắn với tên tuổi Đại tướng Mai Chí Thọ như trận đánh Tua Hai năm 1960 do Đại tướng trực tiếp chỉ huy, mở ra giai đoạn đấu tranh mới trên khắp chiến trường miền Nam.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển TP.HCM, Đại tướng Mai Chí Thọ là nhà lãnh đạo bản lĩnh, có tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo quyết liệt. Từ thực tiễn TP.HCM đã lan tỏa nhiều nơi cả nước, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, những năm cuối đời, Đại tướng Mai Chí Thọ vẫn dành trọn tâm sức cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Hình ảnh chú Năm Xuân đã trở nên thân thương với người dân TP.HCM với những đóng góp lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, công tác khuyến học và nhiều hoạt động xã hội quan trọng khác.