Lo lắng vì dọn về nhà mới tránh tháng 7 Âm lịch thì lại phải sửa nhà tháng cô hồn
Gia đình tôi chọn mua được một căn nhà trong ngõ nhỏ, rất ưng ý về nhiều mặt và ngay lập tức dọn về ở để tránh tháng 7 Âm lịch.
Nhưng qua mấy trận mưa rào mới phát hiện nhà bị dột lớn trên mái, nước từ tầng 3 theo cầu thang xuống tầng 2 rồi tràn qua gác gỗ chảy xuống tầng 1. Tường nhà bị thấm nước nặng – bởi chủ cũ khéo che đi bằng giấy dán tường nên chúng tôi không biết. Giờ thì phải sửa chữa nhà ở kẻo tháng 7 âm lịch mưa nhiều nhất năm sẽ làm hỏng tường nhiều hơn.
Nhưng tính ra thì việc nâng cấp, sơn sửa nhà cửa sẽ phải làm trong tháng 7 Âm lịch - tháng cô hồn khiến vợ tôi e ngại. Dù tôi đã nói những e ngại của vợ chỉ là quan niệm mang hơi hướng mê tín dị đoan, nhưng tâm lý vợ muốn tránh gặp phải những chuyện xui rủi nên cứ viện lý do nhiều người kiêng kị tháng 7 Âm lịch.
Vợ tôi bảo không chỉ cô ấy, mà người phương Đông đều kiêng kị làm những việc lớn, nhất là liên quan đến nhà cửa, vào tháng 7 Âm lịch, bởi quan niệm đó là tháng không may.
Trong dân gian cũng kiêng kị vì sợ gặp nhiều xui xẻo, kém may mắn nên tránh làm việc lớn như cưới hỏi, mua xe, động thổ, sửa chữa nhà cửa – với tâm lý "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Tôi rất lo lắng bởi tháng sáu Âm lịch sắp qua, để thêm hơn 1 tháng mưa gió dột thấm nữa – bởi tháng 7 là tháng mưa gió nhiều nhất năm - thì mái nhà, tường ngấm sẽ hư hại, mốc lở nhiều hơn, chưa kể nguyên vật liệu tăng thì càng thêm tốn.
Tôi biết một số nhà nghiên cứu về phong thuỷ đã cho rằng không nên kiêng kị sửa chữa, nâng cấp, xây dựng, động thổ... nhà ở vào tháng 7 Âm lịch một cách cực đoan - bởi những quan niệm xa xưa không còn phù hợp thì không nên để ảnh hưởng đến cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng chưa biết cách nào để thuyết phục vợ đồng ý.
Theo dõi thời tiết, chọn ngày tốt, giờ đẹp trong 2 khung thời gian này là được
Ngày nay khoa học tiên tiến hơn, nhưng dường như vẫn có rất nhiều người giữ quan niệm kiêng sơn sửa, nâng cấp, đông thổ... cho nhà ở vào tháng 7 Âm lịch - dù họ không hiểu bản chất tại sao phải kiêng kị, mà chỉ nghe truyền miệng xung quanh, với quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Ngoài yếu tố tâm linh sợ việc lớn không thành, còn do quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn có nhiều âm khí nên không ít người tránh động thổ, nâng cấp, sửa chữa nhà vào tháng này.
Thực tế, tháng 7 Âm lịch là khoảng thời gian có mưa nhiều nhất trong năm. Trời mưa sẽ khiến cho việc đào móng, làm mái nhà gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiến độ xây dựng.
Còn việc kiêng kị sơn sửa, nâng cấp, động thổ nhà cửa vào tháng 7 âm, hay không mua bán nhà cửa trong tháng 7 Âm chỉ là thói quen, hay tâm lý e ngại của người dân.
Và nếu làm những việc đó trong tháng 7 Âm lịch còn đem lại khá nhiều lợi ích như:
- Mua được nguyên liệu với giá rẻ hơn vì thị trường xây dựng giảm sôi động, giá nguyên liệu sẽ giảm mạnh, nhiều đại lý kích cầu chiết khấu giá bán buôn cho người mua lẻ... nên bạn có thể mua vật liệu xây dựng với giá mềm hơn trong tháng 7 Âm lịch. Có một số người còn tính toán mua nguyên vật liệu hàng loạt trước để hết tháng 7 Âm lịch thì thi công.
- Dễ tìm thợ thi công tay nghề cao: Tháng 7 Âm lịch nhiều người kiêng kị nên thợ bắt buộc phải nghỉ theo, vì vậy dễ tìm được thợ thi công tay nghề cao rảnh rỗi trong khoảng thời gian này.
1- Thời điểm từ mùng 5 đến ngày 16/7 không nên động thổ hay sửa chữa gì - bởi thời điểm này hầu hết các gia đình đều cúng tế nhiều, xưa nay dân gian cho rằng cửa địa ngục mở nên không tốt cho việc tu tạo, nhập trạch...
2- Thời điểm trước ngày mùng 5 và sau ngày 16/7 Âm lịch rất tốt để thực hiện việc sửa chữa, động thổ...
Để an tâm hơn, trước khi thực hiện sơn sửa, nâng cấp, xây dựng, động thổ nhà cửa trong tháng 7 Âm lịch thì bạn nên tìm chuyên gia tư vấn phong thủy có uy tín để được tư vấn về chọn ngày đẹp, giờ tốt để làm. Ngoài ra cần xem trước thời tiết, chọn ngày nắng, tránh ngày mưa để mọi việc thuận lợi, nhanh chóng.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.