Dân Việt

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Thành phố chưa có cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Bạch Dương 13/07/2022 18:41 GMT+7
Chiều 13/7, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức toạ đàm đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Thành phố chưa có cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

Toạ đàm đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội chiều 13/7. Ảnh: B.D

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, tọa đàm là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các bên liên quan trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ hơn những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm về những vấn đề thực tiễn trong thực hiện Nghị quyết 54 và những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.

PGS.TS Vũ Hải Quân đã chỉ ra những điểm hạn chế cơ bản. Đó là cơ chế chính sách thu hút nhân tài chưa được như mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ.

Trong 5 năm thí điểm, TP.HCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, 3 năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào. Trong lĩnh vực y tế, gần đây có hiện tượng một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư và hiện tượng này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận với y tế của một bộ phận gia đình có thu nhập thấp, nhất là đối với lao động nhập cư.

"Vấn đề đặt ra là cơ chế chính sách thu hút người tài như hiện nay đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả chưa? Việc trả lương cao (so với mặt bằng chung) để thu hút có có phải là cách làm, cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn? Người tài, chuyên gia học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4), mỗi tháng nhận 14 triệu đồng; các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng mỗi tháng có thực sự thu hút được không?", ông Quân đặt vấn đề.

Về cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực, TP.HCM đang tái cấu trúc nền kinh tế, theo định hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số và cần nguồn nhân lực chất lượng cao.. Tuy nhiên, chưa có cơ chế để TP đặt hàng trực tiếp các trường đại học để đào tạo nhân lực chất lượng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, cũng như đào tạo cán bộ quản lý có chuyên môn và kỹ năng đáp ứng yêu cầu mới.

"Nói cách khác, chúng ta đã có kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng lại chưa có giáo dục định hướng thị trường. Theo đó TP đóng góp ngân sách về Trung ương và Trung ương điều tiết lại ngân sách cho các đại học. Đây còn là cách làm theo cơ chế bao cấp, theo mô hình kinh tế kế hoạch từ trước khi đổi mới", ông Quân chỉ rõ. 

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Thành phố chưa có cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 3.

Các chuyên gia góp ý kiến tại toạ đàm. Ảnh: B.D

Bên cạnh đó, một số trường đại học trực thuộc các bộ - ngành đóng trên địa bàn TP chịu sự quản lý và điều phối của các bộ ngành. Trung Quốc đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học theo đó chỉ còn 2 cấp quản lý: Bộ GDĐT và địa phương. Các trường đại học đóng tại địa phương thì sẽ nhận nhận một phần ngân sách của Trung ương và địa phương để thực hiện chiến lược phát triển địa phương.

Cần có cơ chế chính sách đặc thù cho lao động nhập cư. Đây là lực lượng lao động đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của TP. Do vậy vấn đề nhà ở, trường học, y tế cho người lao động nhập cư cần được giải quyết tốt và đôi khi vượt khỏi các quy định hiện hành, ví dụ như về cách tính biên chế, hệ thống trường học, bệnh viện.

Một nguồn thu rất quan trọng chưa được TP khai thác hiệu quả là tài sản công. Thực tiễn này có thể nhìn thấy từ ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là là đơn vị sự nghiệp công lập, đang thực hiện mạnh mẽ tự chủ đại học, do vậy ngân sách chi thường xuyên càng ngày giảm. Trường có quỹ đất trong cả nội thành (3 trường thành viên) và ngoại thành. Tuy nhiên hiện nay cơ chế cho phép đồng khai thác, sử dụng đất đai, tài sản công chưa rõ ràng nên chưa tiến hành được. Việc khai thác hiệu quả dịch vụ, tài sản công sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn thu của ĐH Quốc gia TP và TP.HCM.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Thành phố chưa có cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 4.

TS. Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế-Luật TP.HCM tại toạ đàm. Ảnh: B.D

Tham gia góp ý kiến, TS. Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế-Luật TP.HCM cho rằng, nhiều nội dung Nghị quyết 54 chưa phân cấp triệt để, tức là đã "cho phép" nhưng cho không dứt khoát. TP.HCM chưa được quyền chủ động thực hiện, phải ra Trung ương xin thêm cơ chế. Ví dụ, Nghị quyết 54 cho phép Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên nhưng TP.HCM không dễ dàng chủ động trong việc bán tài sản công thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TP mà phải qua quá nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản.

TP.HCM không có sự chủ động về ngân sách để có những kế hoạch dài hơi. Cơ chế xã hội hóa chưa được ghi nhận trong Nghị quyết 54, nên chưa chủ động huy động nguồn lực phát triển, trong khi các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tại TP.HCM rất năng động nhưng chưa có cơ chế nên chưa thể thực hiện, nhất là các vấn đề liên quan tài sản công, hợp tác đầu tư.

TP.HCM chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một "nguyên tắc tuân thủ" thống nhất, khi có sự khác nhau giữa Nghị quyết và Luật, nhiều trường hợp Nghị quyết không được ưu tiên áp dụng.