Cựu chiến binh Trần Văn Quận (49 tuổi, ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) từng là lính Hải Quân vùng III. Sau khi phục viên, anh Quận vào TP.HCM lập nghiệp. Đến năm 2018, anh trở về quê hương Quảng Bình.
Clip: Cựu chiến binh Trần Văn Quận chia sẻ về vườn kỷ vật thời chiến tranh
Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Trần Văn Quận chia sẻ: "Tôi có ý tưởng làm khu vườn lưu giữ kỷ vật chiến tranh từ lâu rồi. Lúc đang quân ngũ, tôi đã sưu tập một số đồ nhỏ trưng bày ở tủ. Từ năm 2018, khi đặt chân về quê tôi nghĩ ngay đến làm cafe sân vườn, trong đó, khu vườn sẽ trưng bày những kỷ vật chiến tranh".
"Thời gian đầu, tôi đi tất cả các tiệm phế liệu dọc đường Hồ Chí Minh từ tỉnh Nghệ An đến Phú Yên. Dọc đường như vậy, tôi đưa số điện thoại cho bà con, từ đó, mỗi khi nhận thông tin ở đâu có vỏ bom, mìn là tôi tức tốc chạy đến. Qúa trình sưu tầm, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dần dần, bà con cùng chính quyền hiểu việc làm của mình ý nghĩa nên họ tặng, bán và ký gửi ở khu vườn của tôi.
Kỉ niệm trong việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh của tôi là lần đưa vỏ quả MK84 khổng lồ về vườn. Lúc đó, vỏ quả bom nằm trong rừng, không có xe cẩu và không thuê được người nhưng may mắn được một số người quen giúp và dùng dây thừng kéo từng tý một, lúc qua sông cũng phải bơm phao cho nổi lên mới di chuyển được", anh Quận cho biết.
Theo anh Trần văn Quận, hiện khu vườn lưu giữ kỷ vật chiến tranh của anh đang có khoảng 70 vỏ bom đạn các loại. Việc lưu giữ này nhằm hướng đến tri ân liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh đã tham gia cuộc chiến trang khốc liệt để giành lại hòa bình.
Bên cạnh đó, anh còn hướng tới thế hệ học sinh, bởi khu vườn của anh luôn mở cửa miễn phí đón tiếp các em đến để chạm tay vào những hiện vật của lịch sử, kết nối với lịch sử, củng cố bài học trên ghế nhà trường. Ngoài ra, mỗi lần đón các em học sinh, anh Quận lại mặc đồ bộ đội, đội mũ tai bèo, thuyết trình, hướng dẫn nhận dạng các loại bom, mìn nhằm giúp phòng tránh tai nạn bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Trong thời gian tới, anh Quận sẽ tiếp tục dựng, mô phỏng các dạng bom tiếp đất và tái hiện hình ảnh người dân sản xuất dưới mưa bom bão đạn trong thời kỳ chiến tranh.