Giải ngân vốn đầu tư công thấp
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, đến 30/6, việc giải ngân vốn đầu tư công của các dự án thuộc ngành y tế chỉ đạt 12%, đến 10/7 cũng chỉ mới đạt 28%, rất thấp.
"Đây là năm đầu tiên trong vòng 10 năm qua, giải ngân vốn đầu tư công các dự án y tế của TP.HCM lại chậm như thế. Chúng tôi rất rất sốt ruột, tuần nào cũng gọi điện và tháng nào cũng có gửi văn bản cho các lãnh đạo bệnh viện để hối thúc giải quyết các vấn đề khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công", ông Nam nói.
Cùng với đó, ông Nam nêu ra một loạt khó khăn của các dự án y tế hiện nay. Sau dịch Covid-19, nhiều công trình chậm tiến độ do biến động giá vật tư, nhà thầu ngưng thi công. "Nhiều chủ thầu sẵn sàng đền hợp đồng vì họ nói càng làm càng lỗ. Thêm vào đó, số lượng công nhân về quê không quay lại làm việc dẫn đến thiếu hụt nhân công dẫn đến không có khối lượng để giải ngân", ông Nam nêu thực trạng và cho biết, đi kiểm tra thực tế tại công trình Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi chỉ có 120 công nhân làm việc, tiến độ rất chậm, trong khi đó công trình Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn có được 400 công nhân.
Ngoài ra một số dự án hết thời gian giao hẹn, phải chờ quyết định gia hạn; một số chủ đầu tư chậm thực hiện chủ trương đầu tư mặc dù đã có trong danh sách đầu tư trung hạn. Đến thời điểm 1/7, những dự án y tế chậm giải ngân có thể kể đến: Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt: Khối lượng giải ngân là 0%; Khoa khám bệnh - khối điều trị ngoại khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1): Khối lượng giải ngân chỉ 1%; Trung tâm chuyên sâu sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng 1): Khối lượng giải ngân chỉ 10%; Khối điều trị nội trú (Bệnh viện Nhân dân Gia Định): Khối lượng giải ngân chỉ 36,8%.