Hội nghị nhằm tổ chức đánh giá công tác về phòng chống thiên tai năm 2021. Hội nghị đồng thời phân tích dự báo và diễn biến tình hình thiên tai 6 tháng đầu năm 2022, để chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2022 tại khu vực Nam Bộ.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta đã xảy ra 1 trận bão, 105 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 123 trận dông lốc, 61 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất, 12 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.
Thiên tai từ đầu năm 2022 đã làm 85 người chết, mất tích, 48 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.044 tỷ đồng.
Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tại các tỉnh Nam Bộ không xảy ra những đợt thiên tai lớn, chủ yếu là mưa lớn, lốc, sét và sạt lở bờ sông, bờ biển. Ước tính giá trị thiệt hại 153 tỷ đồng
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ năm 2021 đến nay, hệ thống thủy điện trên dòng sông Mê Kông cơ bản hoàn thiện.
"Hệ thống này đã gây tác động rất lớn cả về tích cực và tiêu cực tới khu vực hạ lưu; phần nào làm thay đổi quy luật khí hậu khu vực ĐBSCL. Tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Kông cao thứ hai kể từ năm 1910", ông Hoài cho biết.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã trình bày ý kiến, tập trung tìm ra các giải pháp thiết thực, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước phát triển bền vững.
Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, Nghị quyết số 76/NQ-CP, Chỉ thị số 09/CT-TTg và Chỉ thị số 10/CT-TTg, Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị, tập trung vào 10 các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; rà soát, hoàn thiện, ban hành bộ quy chế, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy.
Huy động các nguồn lực nhất là quỹ Phòng chống thiên tai để thực hiện lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai thường xuyên xảy ra.
Các địa phương cần quản lý, giám sát chặt chẽ tổ chức vận hành các công trình như hồ Dầu Tiếng, cống Cái Lớn - Cái Bé, đập Tha La - Trà Sư… nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động do thiên tai, đồng thời nâng cao hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất.
Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các nước thượng nguồn Mê Kông để áp dụng các giải pháp phù hợp, tận dụng nguồn nước hiệu quả trong việc sản xuất, giảm lũ và đẩy mặn trong mùa khô...
Cũng tại Hội nghị , Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức lễ ra mắt "Câu lạc bộ Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Câu lạc bộ được thành lập nhằm phát huy được sức mạnh tập thể, tạo môi trường để cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách thức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Trung ương và những cơ chế, chính sách về hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Câu lạc bộ sẽ chia sẻ những mô hình điển hình, câu chuyện bổ ích cũng như việc đổi mới trong công tác nâng cao năng lực của Văn phòng thường trực Ban chi huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vùng ĐBSCL, và giữa vùng ĐBSCL với các vùng khác trên phạm vi cả nước.