Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, liệu điện gió, điện mặt trời có thể đảm đương được an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội những năm tới khi nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ngày càng cao.
Điện gió, điện mặt trời đang chiếm gần 1/3 tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam, đây cũng là nguồn năng lượng sạch trong tương lai. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, liệu điện gió, điện mặt trời có thể đảm đương được an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội những năm tới khi nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ngày càng cao.
Thống kê của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy, hệ thống điện của Việt Nam có khoảng 78.000 MW công suất; trong đó, năng lượng tái tạo chiếm tới gần 30%, đạt khoảng 21.000 MW.
Sản lượng điện các nguồn điện này đạt 31,5 tỷ kWh, tương đương gần 12,3% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 6 tháng đầu năm nay, con số này tăng lên khoảng 15% sản lượng điện hệ thống. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, dù tỷ trọng công suất và huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã cao hơn nhiều so với trước đây, nhưng Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN ví dụ, với điện gió, công suất lắp đặt hiện khoảng 3.900 MW; trong đó 92% được đưa vào vận hành cuối tháng 10 năm ngoái. Theo biểu đồ phát của điện gió, thời gian thu được gió tốt nhất vào tháng 12, 1 và 2; còn thấp điểm là tháng 4, 5 và 6.
Nhưng công suất phát điện gió không chỉ biến động theo mùa mà hàng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày. Ông Võ Quang Lâm cho biết, khi thời tiết biến động, có những thời điểm nguồn điện gió huy động chưa tới 1%; còn điện mặt trời cũng chỉ huy động vào ban ngày (chủ yếu từ 8 giờ đến 16 giờ).
Riêng với miền Bắc, nhu cầu tiêu thụ điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, hiện cũng đang gặp khó khăn về nguồn điện. Các nguồn điện bổ sung cũng chỉ hỗ trợ một phần do công suất truyền tải qua đường dây 500 kV bị hạn chế do giới hạn kỹ thuật. Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW không nhiều; trong đó một nửa được vận hành thương mại.
Cá biệt, nửa cuối tháng 3, nhiều thời điểm công suất phát của điện gió ở mức rất thấp, tối đa trong ngày khoảng hơn 500 MW, thậm chí không có gió để phát điện. Riêng ngày 19/3, tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống rất thấp, có thời điểm chỉ còn 15 MW, tương đương 0,37% tổng công suất lắp đặt loại năng lượng này.
Tức là ở các tháng cao điểm nắng nóng, nguồn điện gió lại huy động được thấp, nhất là tại miền Bắc. Thời gian nắng nóng vừa qua, phụ tải hệ thống điện liên tục đạt mức đỉnh mới. Đơn cử như ngày 21/6, phụ tải của hệ thống điện quốc gia lập đỉnh với công suất 45.528 MW và đỉnh phụ tải ở miền Bắc đạt mức 22.332 MW.
Như vậy, nếu so với mức trung bình của tuần trước đó thì công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia ngày 21/6/2022 đã tăng tới hơn 6.500 MW. Đối với riêng miền Bắc công suất đỉnh cũng đã tăng hơn 5.200 MW - tương đương tăng gần 31% so với mức trung bình tuần trước đó.
Mới đây, ngày 4/7, hệ thống điện miền Bắc đã xuất hiện hiện tượng dao động điện áp dẫn tới ảnh hưởng cung cấp điện của một số khách hàng ở phía Bắc. Thông tin từ EVN cho hay, nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao và một số tổ máy phát điện bị sự cố gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn cung cấp điện một số khách hàng ở phía Bắc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng cho rằng, Việt Nam đang chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ với sự tham gia nhanh chóng của điện gió, điện mặt trời, song đây là những nguồn bất định. Các loại hình này có những đặc tính về mùa, vùng miền và tác động của thời tiết..., không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát điện.
Khi tỷ trọng các nguồn điện sạch tăng cao, trở thành nguồn điện quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì đặt ra thách thức cho nhà vận hành hệ thống điện. Đó là cần xây dựng công cụ dự báo để cân đối nhu cầu và khả năng phát của nguồn điện năng lượng tái tạo.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, không phải công suất lắp đặt 78.000 MW thì sẽ là phát được bấy nhiêu MW vào hệ thống điện. Bởi vào mùa khô, thuỷ điện sẽ phát được ít hơn do cạn nước.
Mùa nước, nhiều nhà máy thuỷ điện lớn phải xả bớt nước để đón lũ, lượng nước tích trong hồ thuỷ điện luôn thấp hơn chỉ số thiết kế. Vì thế, công suất phát điện sẽ giảm đi một phần so với công suất lắp đặt.
Thêm nữa là phần lớn các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở miền Trung, miền Nam, nơi nhu cầu và tăng trưởng điện thấp hơn miền Bắc. Trong khi hạ tầng chưa đáp ứng để truyền tải đủ lượng điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc.
Những yếu tố này lý giải vì sao công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống lên tới gần 78.000 MW; trong đó "điện sạch" chiếm gần 30%, nhưng chỉ có thể phát điện được tối đa hơn 40.000 MW.
Rõ ràng, nhu cầu chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam là rất lớn và cấp bách khi nguồn tài nguyên sơ cấp truyền thống như than, thuỷ điện... đang suy giảm nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc huy động lượng vốn cho quá trình chuyển đổi này không dễ dàng.
Để đảm bảo nguồn cung điện, bản thân EVN đã xây dựng các kịch bản tìm kiếm thêm nguồn điện mới, như tăng cường hệ thống truyền tải Bắc - Nam, vận hành tối ưu hệ thống điện nhằm hạn chế không để xảy ra sự cố trong mùa nắng nóng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ mua điện từ Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng.
"Đặc biệt, tập đoàn đã chỉ đạo các công ty điện lực địa phương làm việc với 18.000 doanh nghiệp, khách hàng lớn hiện đang có máy phát điện diesel, với công suất khoảng 7.000 MW, để huy động trong trường hợp cần thiết, đảm bảo nguồn điện tại chỗ, hỗ trợ giải toả bớt áp lực cho hệ thống điện chung", ông Võ Quang Lâm thông tin.
Theo nhận định của ông Sean Lawlor, chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, điện gió, điện mặt trời không phải là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng. Thay vào đó, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng, vốn đã thực hiện từ năm 2019 và chuyển đổi nhiên liệu, tức là ngoài khai thác tối đa, hợp lý các nguồn điện tái tạo từ điện mặt trời, điện gió...
Việt Nam cũng cần xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch dùng than sang điện khí LNG, biomass, amoniac hoặc hydrogen khi công nghệ đã được kiểm chứng, thương mại hoá... Việc này sẽ giúp đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chuyên gia Sean Lawlor chia sẻ.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cần thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ, có cơ chế cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng, bởi lẽ pin lưu trữ có thể hoạt động như một nguồn tích hợp để cung cấp nguồn dự trữ khi xảy ra chênh lệch giữa cung và cầu trong hệ thống điện, các sự cố tổ máy, giảm đột ngột của nguồn năng lượng tái tạo.
Một giải pháp khác cũng được nhiều chuyên gia đề cập là phát triển điện gió ngoài khơi. Quy hoạch điện VIII tới đây dự thảo sẽ ưu tiên phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi, nhưng đến nay các cơ chế, chính sách cụ thể để đạt mục tiêu này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Các chuyên gia đều nhận định, dù nhiều giải pháp đưa ra, song tiết kiệm năng lượng điện vẫn là giải pháp đơn giản và tốn ít chi phí nhất. Làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế.