Chỉ với những dụng cụ bắt châu chấu đơn sơ như đèn pin, túi lưới, mỗi tối người dân bản Khe Thần đã bắt được 7- 8kg châu chấu, bỏ túi gần 1.000.000 đồng.
Trời sẩm tối cũng là lúc người người nhà nhà ở bản Khe Thần (xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) rủ nhau vào rừng tre bắt châu chấu về cải thiện thu nhập. Nhiều em nhỏ cũng ở bản Khe Thần dùng đèn pin đi bắt châu chấu. Ảnh: HT.
Từ đầu tháng 6 đến nay, người dân bản Khe Thần, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) lại í ới rủ nhau vào rừng tre bắt châu chấu để bán cho thương lái trên địa bàn.
Trời sập tối cũng là lúc người dân trong bản rủ nhau lên những cánh rừng tre sau bản để bắt châu chấu. Dụng cụ săn châu chấu cũng khá đơn giản chỉ là những chiếc đèn pin, túi lưới đơn sơ, hoặc can nhựa được châm thủng nhiều lỗ để đựng châu chấu.
Mọi người chia nhau thành những nhóm nhỏ 4, 5 người đi cùng nhau. Ánh sáng đèn pin rọi sáng cả một góc rừng. Châu chấu thường trú ngụ ở gốc tre, thậm chí ở trên ngọn cây, nên để bắt được châu chấu người dân phải luồn lách qua các nhánh tre, chụp bắt dưới gốc hoặc trèo lên đu các nhánh trên cao xuống. Dù rung lắc cây, nhưng châu chấu không bay loạn xạ nên dễ bắt.
Clip: Người dân bản Khe Thần (xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đi bắt châu chấu bán kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Video: HT
Theo chính quyền địa phương đầu tháng 6 đến nay châu chấu kéo về nhiều gây ảnh hưởng đến khu rừng tre. Ảnh: HT.
"Bố mẹ em đi bắt châu chấu ở cánh rừng xa hơn, còn em theo các bạn lên rừng tre gần nhà bắt châu chấu. Mỗi tối em bắt được hơn 3 kg châu chấu. Một phần châu chấu bắt về phục vụ cho bữa ăn của gia đình, phần còn lại là để bán để tăng thêm thu nhập. Chúng em bắt đến khoảng 11 giờ đêm là về, bởi lúc này đèn cũng không sáng nữa", em Hà Mạnh Đạt (12 tuổi) người dân bản Khe Thần nói.
Chị Lương Thị Dừa (40 tuổi, người dân bản Khe Thần) cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay mỗi tối hai vợ chồng chị lại cùng con trai lên rừng tre Mét bắt châu chấu về làm thức ăn và bán cho thương lái.
Những ngày đầu châu chấu nhiều có những hôm bắt được hơn 10kg châu chấu, hiện người dân rủ nhau đi săn châu chấu nhiều nên số lượng châu chấu giảm nên mỗi tối gia đình chị cũng chỉ bắt được khoảng 7kg, 8kg một đêm. Tính ra một đêm cả nhà cũng bỏ túi khoảng 700.000 đồng- 1.000.000 đồng tiền châu chấu.
Chị Lục Thị Hiền An- một thương lái chuyên thu mua châu chấu tre trên địa bàn xã Nghĩa Bình cho hay, châu chấu tre được thương lái thu mua phân thành hai loại, loại đã chết được đông lạnh có giá từ 100.000 đồng- 120.000 đồng/kg; loại châu chấu sống được mua với giá cao hơn từ 130.000 đồng- 150.000 đồng/kg.
Châu chấu thu mua chủ yếu chuyển xuống các quán nhậu ở Vinh hoặc chuyển ra các tỉnh ngoài phía Bắc.
Người dân cho biết thêm, một phần châu chấu đem về bán để có thêm thu nhập, phần nữa đem về phơi khô dự trữ ăn dần. Thế nhưng loại châu chấu này rang lá chanh, chiên giòn để làm mồi nhậu thì khỏi chê. Thế nên, từ khi có dịch châu chấu, nhà nào cũng có món châu chấu rang giòn để tiếp đãi khách.