Dân Việt

Vì sao nhiều đại gia bán lẻ đua mở chuỗi nhà thuốc?

Hồng Phúc 19/07/2022 08:07 GMT+7
TP.HCM đang trở thành nơi diễn ra cuộc đua khốc liệt của các chuỗi nhà thuốc. Chỉ tính nửa đầu năm nay, số lượng nhà thuốc mở mới của 3 ông lớn dẫn đầu phải lên đến hàng trăm cửa hàng.

Cuộc đua mở chuỗi nhà thuốc

Cuối tuần trước, chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động chính thức cán mốc 500 điểm bán, sau khi khai trương một nhà thuốc mới tại TP.HCM. TP.HCM đang trở thành nơi diễn ra cuộc đua khốc liệt của các chuỗi nhà thuốc.

Thành lập từ năm 2002 với tên gọi nhà thuốc Phúc An Khang, đến cuối năm 2017, chuỗi bán lẻ dược phẩm này có tất cả 14 cửa hàng và chính thức về chung một nhà với Thế Giới Di Động. Chuỗi Phúc An Khang nhanh chóng bị đổi tên thành nhà thuốc An Khang.

Vì sao nhiều đại gia bán lẻ đua mở chuỗi nhà thuốc? - Ảnh 1.

Chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động chính thức cán mốc 500 nhà thuốc. Ảnh: Hồng Phúc

Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc An Khang dường như giậm chân tại chỗ cho đến 1 - 2 năm gần đây. Từ cuối tháng 5 đến nay, mỗi tháng chuỗi này có trên dưới 100 nhà thuốc mới ra đời.

"Việc mở rộng thần tốc là quá trình tất yếu sau thời gian thăm dò thị trường. Tham gia cuộc đua có phần muộn hơn, An Khang chắc chắn sẽ duy trì tốc độ để rút ngắn khoảng cách với các nhà bán lẻ khác", ông Đoàn Văn Hiểu Em - người đang trực tiếp điều hành chuỗi nhà thuốc của Thế Giới Di Động cho biết.

Ông Hiểu Em khẳng định chuỗi này đang phát triển vũ bão, có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 nhà thuốc trong năm 2022 và ông cũng tin cuối năm nay sẽ có lời.

Xếp trước An Khang, chuỗi nhà thuốc thuốc Long Châu đang có 695 điểm bán (theo cập nhật trên website hệ thống, ngày 19/7). Tại thời điểm cuối năm 2021, Long Châu có 400 nhà thuốc. Như vậy, trong nửa đầu năm nay, hệ thống này đã nhanh chóng phát triển thêm đến 200 điểm bán.

Theo công bố của FPT Retail, quý I/2022, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 2.159 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so cùng kỳ năm 2021 và đóng góp đến 28% vào doanh thu hợp nhất của FPT Retail.

Vì sao nhiều đại gia bán lẻ đua mở chuỗi nhà thuốc? - Ảnh 3.

Pharmacity đang có hơn 1.100 nhà thuốc, gần bằng tổng số lượng điểm bán của An Khang và Long Châu. Ảnh: Hồng Phúc

Về số lượng điểm bán, "ông trùm" đứng đầu chuỗi nhà thuốc hiện nay là Pharmacity. Tại TP.HCM, nhất là ở khu vực trung tâm, chuỗi Pharmacity hiện diện dày đặc, thậm chí nhiều cửa hàng cách nhau chỉ 200 - 300 mét.

Pharmacity đang có hơn 1.100 nhà thuốc, gần bằng tổng số lượng điểm bán của An Khang và Long Châu. Tham vọng của hệ thống này là có 1.750 nhà thuốc vào cuối năm nay và đến năm 2025, sẽ cán mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc.

Nhiều đại gia bán lẻ đua mở chuỗi nhà thuốc, vì sao?

Thời điểm mà An Khang, Long Châu, Pharmacity đua mở chuỗi nhà thuốc bắt đầu từ trong đại dịch Covid-19. 

Dược phẩm được xem là một ngành "miễn nhiễm" với dịch bệnh. Đó là lý do mà ngoài các ông lớn trên, còn có một loạt tên tuổi các nhà thuốc khác như Nhị Trưng, Phano Pharmacy, ECO Phamaceuticals… nhưng với quy mô nhỏ hơn. Gần đây, các chuỗi nhà thuốc này cũng bắt đầu mở rộng với tốc độ vừa phải.

Theo nhận định của bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI, ngành chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành ít bị ảnh hưởng nhất trước sự gia tăng của chi phí, giá năng lượng và giá hàng hóa. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Vì sao nhiều đại gia bán lẻ đua mở chuỗi nhà thuốc? - Ảnh 4.

Đua mở chuỗi nhà thuốc: Chuỗi nhà thuốc thuốc Long Châu đang có 695 điểm bán (theo cập nhật trên website hệ thống, ngày 19/7). Ảnh: FRT

Đơn vị này dự báo ngành chăm sóc sức khỏe, bao gồm các công ty dược và bệnh viện tư nhân sau 6 tháng đầu năm thuận lợi, dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022. Ước tính mức tăng khoảng 13% so với cùng kỳ. 

Mức tăng trưởng này được hỗ trợ bởi 3 yếu tố lớn. Thứ nhất, mức nền so sánh về lợi nhuận thấp của năm ngoái do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trên toàn quốc tới lượt thăm khám tại bệnh viện cũng như lượt khách tại các cửa hàng thuốc.

Thứ hai, thiếu hụt nguồn cung thuốc do quy trình đăng ký thuốc hiện bị siết chặt, các công ty tận dụng tình hình này để điều chỉnh giá thuốc bù lại chi phí tăng và cải thiện lợi nhuận sản phẩm.

Thứ ba, nhu cầu chăm sóc sức khỏe chuyển dịch nhanh hơn từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, dưới áp lực lương thấp, rủi ro sức khỏe và rủi ro pháp lý cao, và cơ sở vật chất yếu kém trong khu vực công.

Bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI dự báo biên lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ đạt mức đỉnh vào năm 2023 khi giá thuốc, viện phí tăng lên trong khi chi phí đầu vào tăng với tốc độ chậm hơn nhiều.