Dân Việt

Kẹt xe nhiều nơi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày đầu thu phí tự động

Nha Mẫn-Hoàng Chinh 26/07/2022 11:26 GMT+7
Do người dân chưa quen với việc thu phí tự động trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên dẫn đến nhiều khu vực, nhất là đoạn qua các trạm thu phí bị ùn ứ.

Sáng 26/7, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bắt đầu khai thác hệ thống thu phí dịch vụ điện tử tự động (ETC).  

Theo ghi  nhận của Dân Việt, từ 8h, xe trên cao tốc hướng từ TP.HCM về Đồng Nai và ngược lại đều ùn ứ kéo dài. Đặc biệt, một số tài xế cho biết ở các lối ra vào cao tốc cũng bị ùn tắc, như trạm Long Phước, lối ra 319 và lối ra Quốc lộ 51... 

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị đã chính thức triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ sáng 26/7. 

Kẹt xe nhiều nơi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày đầu thu phí tự động - Ảnh 1.

Vẫn xảy ra ùn ứ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo đại diện công ty, từ khoảng gần 10h sáng nay đến hết ngày 31/7 thì 3 trạm thu phí trên tuyến cao tốc này vẫn thu phí theo dạng hỗn hợp. 

Trong đó sẽ chia ra 1-2 làn/trạm phí, thu phí tự động (làn không dừng), các làn xe còn lại vẫn bán vé để qua trạm thu phí như bình thường. 

Đến ngày 1/8, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ chỉ phục vụ xe sử dụng ETC (thu phí tự động) theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi lưu thông trên tuyến cao tốc này, người điều khiển phương tiện cần thực hiện dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác). 

Các thẻ này được dán ở các trạm thu phí trên khắp cả nước hoặc thông qua dịch vụ có thể linh động điểm dán. 

Được biết hiện nay, lượt xe bình quân trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đạt 45.000 – 50.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Con số này vượt năng lực thông hành thiết kế dẫn đến việc cao tốc này thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào các giờ cao điểm, cuối tuần, lễ tết. 

Kẹt xe nhiều nơi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày đầu thu phí tự động - Ảnh 2.

Nhiều tài xế vội vàng dán thẻ ETC để qua trạm thu phí. Ảnh: Tuệ Mẫn

Do đó, việc thu phí không dừng ETC sẽ giảm thiểu tình trạng kẹt xe trên tuyến cao tốc. Theo ghi nhận trong ngày đầu có làn thu phí tự động, trên cao tốc đã xảy ra tình trạng ùn ứ tại các trạm phí và lối vào cao tốc, nhánh rẽ ra Quốc lộ 51. 

Một vài trạm phí xảy ra tình trạng thẻ ETC hết tiền, không đủ tiền... dẫn đến ùn ứ. Ngoài ra, theo phía Công ty VEC, thường vào mùa hè, sáng và tối thường xuyên xảy ra kẹt xe do lưu lượng xe lớn. Đặc biệt, sáng nay ùn ứ xảy ra một phần nguyên nhân còn do một số phương tiện xảy ra va chạm nhẹ.

Ông Phạm Văn Thu, quê ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, làm việc ở TP.HCM cho biết, mỗi tuần ông đều đặn đi về ngang cao tốc và khổ sở vì kẹt xe. Việc triển khai thu phí không dừng khiến ông rất vui và hy vọng sẽ rút ngắn thời gian lưu thông trên cao tốc, giảm kẹt xe. Tuy nhiên, điều ông Thu thắc mắc là dán ETC hiện chưa rộng rãi, dừng ở trạm phí dán rất nhốn nháo nên ông mong muốn việc dán thẻ dễ dàng, thuận lợi hơn.

Kẹt xe nhiều nơi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày đầu thu phí tự động - Ảnh 3.

Kẹt xe trên cao tốc vẫn là nỗi ám ảnh của người dân. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tài xế Đỗ Hải Sơn, ngụ huyện Nhơn Trạch lại nói rằng, tình trạng kẹt xe nhẹ buổi sáng hướng về TP.HCM cũng vẫn chưa được cải thiện. Tuy nhiên, ông Sơn hy vọng sau khi tất cả 3 trạm phí đều thu phí không dừng đối với toàn bộ phương tiện, nạn kẹt xe sẽ giảm mạnh để người dân dễ dàng lưu thông.  

Kể từ ngày 26/7, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức thu phí không dừng toàn tuyến và đưa vào vận hành 25 làn thu phí ETC tại 3 trạm thu phí, bao gồm 11 làn vào và 14 làn ra.

Để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện cần thực hiện dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác).

Số tiền tối thiểu trong tài khoản thu phí của chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện phải đủ để thực hiện 1 giao dịch (tương ứng với số tiền thanh toán cho chiều dài quãng đường phương tiện lưu thông).

Cụ thể, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng số tiền phải nạp tối thiểu vào tài khoản thanh toán là 98.000 đồng; đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn nạp tối thiểu 147.000 đồng; đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn nạp tối thiểu 196.000 đồng.