Chiều một ngày tháng 7, anh Đinh Văn Dương ngồi trên chiếc xe lăn chờ đợi vợ con trở về tại căn nhà nhỏ ở khu chung cư phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Cách đây 8 năm, 20 chiến sĩ đã hy sinh trong vụ rơi máy bay Mi 171 tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội), chỉ duy nhất thượng úy Đinh Văn Dương may mắn sống sót.
Chia sẻ của chiến sĩ sống sót duy nhất vụ rơi máy bay ở Hoà Lạc, Hà Nội 8 năm trước. Clip: Gia Khiêm
Trải qua gần 900 ngày điều trị trong bệnh viện, 24 cuộc phẫu thuật, 3 lần tim ngừng đập, không còn 2 bàn tay, 2 đôi chân, mặt mũi biến dạng... nhưng anh đã vượt qua số phận bằng nghị lực sống phi thường.
Ông trời vẫn thương khi trí não anh hoàn toàn bình thường, thính giác, khứu giác, khả năng ngôn ngữ của anh đã trở lại ổn định. Một bên mắt của anh thị lực còn 1/10, một bên 7/10, nhưng đó vẫn là điều quá may mắn với người từng tưởng đã về bên kia thế giới. Đó là sự "hồi sinh" của người chiến sĩ quả cảm.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Dương chia sẻ, bản thân mình thoát chết thần kỳ được nhờ sự 3 điều đó là: Sự may mắn, những bác sĩ giỏi nhất Viện bỏng quốc gia (Hà Nội) - các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài cùng nghị lực và sự động viên của gia đình.
"Mình còn sống mình phải có bổn phận, trách nhiệm để những đồng đội của mình đã ngã xuống thấy an lòng", anh Dương bày tỏ.
Anh Dương cho biết, trải qua 8 năm sau tai nạn máy bay ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, sức khoẻ anh không được ổn định. Chấn thương của vụ tai nạn khiến anh bị ảnh hưởng nhiều và phải cố gắng tập luyện thể dục thể thao. Hàng ngày, cuộc sống sinh hoạt của anh phụ thuộc vào người vợ và người mẹ ngoài 60 tuổi.
"Cách đây 1 tháng nhân dịp nghỉ hè, tôi đã cùng vợ con đi bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) chơi. Được đi chơi, xa các con thích lắm. Tôi cũng thấy thoải mái hơn sau quãng thời gian dài điều trị chấn thương, dịch bệnh Covid-19. Tôi có được tinh thần lạc quan, vui vẻ như hiện tại cũng chính nhờ sự động viên, chăm sóc của vợ con cùng gia đình. Mọi người luôn chia sẻ những lúc thời tiết thay đổi khiến cơ thể tôi đau mỏi, giúp tôi vui tươi trong cuộc sống", anh Dương bày tỏ.
Tháng 9/2016, anh Dương xuất ngũ, được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) để sinh hoạt cùng gần 100 thương binh tại đây. Tuy nhiên, muốn dành thời gian quan tâm các con nên anh thường lui về nhà.
Ngồi trên xe lăn hướng ánh mắt về 3 tấm bằng Chủ tịch nước trao tặng được treo trang trọng trong nhà, anh Dương nhớ đồng đội, nhớ bầu trời và nghĩ về những năm tháng trong quân ngũ. Đối với người lính như anh, được vùng vẫy trên bầu trời trong những lần huấn luyện nhảy dù là những ký ức không bao giờ quên.
"Đó là ký ức tôi được bay nhảy trên bầu trời, được thả dù trên không rất vui nhưng sau tai nạn tôi không còn sức để tham gia nữa, cũng khá buồn nhưng cuộc sống của mình như vậy nhưng phải chấp nhận. Trời thương cho mình được sống đã là một điều quá may mắn rồi. Chỉ hy vọng các lứa đàn em học tập, trau dồi kiến thức để các em có kinh nghiệm nhảy dù tốt hơn những lứa đàn anh như chúng tôi đã trải qua. Các em hãy cố gắng để xây dựng bảo vệ Tổ quốc vững vàng nhất", anh Dương nói.
Mỗi năm vào ngày 7/7 – ngày anh Dương và đồng đội gặp nạn hay ngày Tết, anh cùng gia đình về lại nơi chiếc máy bay huấn luyện bị rơi. Nơi đây, di ảnh 20 đồng đội vẫn được người dân đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm.
"Ở đó, đồng đội tôi được người dân địa phương hương khói mỗi ngày. Nhìn di ảnh những người đồng chí, đồng đội, tôi không cầm được nước mắt. Tuy nhiên, hai năm qua do dịch bệnh Covid-19, tôi không về thăm và thắp nén hương cho đồng đội được.
Nhiều lúc nhớ đồng đội lắm… những người bạn, những đồng chí của tôi. Chúng tôi đã có thời gian ăn ngủ nghỉ, tập luyện chiến đấu cùng nhau còn nhiều hơn cả thời gian ở bên vợ con, gia đình. Là lính chiến đấu, một tuần chúng tôi chỉ có 2 buổi về với gia đình. Anh em chơi thân thiết, động viên nhau trong cuộc sống rất nhiều", anh Dương nghẹn ngào.
Có lẽ đối với anh, mỗi lần trở lại nơi các đồng đội hy sinh là một lần tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Anh cho biết, bản thân luôn động viên con cháu của mình và đồng đội phấn đấu học tập, trở thành người có ích cho xã hội, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
"Tâm nguyện lớn nhất của tôi đó là có thể sớm xây dựng một đài tưởng niệm, tưởng nhớ đồng đội. Bởi hiện nay, ở đây, gọi là nơi thờ phụng, tưởng niệm nhưng thực chất mới chỉ là một ngôi nhà được lợp tôn trên khu đất nơi xảy ra vụ tai nạn.
Tôi mong có thể xây dựng một đài tưởng niệm những anh em đã hy sinh trang trọng, lịch sự hơn. Anh em được thờ tại nơi gặp nạn che tạm mái tôn tôi cũng áy náy lắm. Tuy nhiên với sức khoẻ như hiện nay cũng như mình không đủ điều kiện nên chưa làm được. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng làm một nơi để các chiến sĩ đồng đội của mình có nơi thờ tự trang trọng hơn", anh Dương nói thêm.
Ngày 7/7/2014, chiếc trực thăng Mi 171, số hiệu 01 Trung đoàn không quân trực thăng 916, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng phòng không không quân với 21 chiến sĩ đang trong giờ huấn luyện đã rơi xuống cánh đồng thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 20 chiến sĩ đã hy sinh. Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Dương, chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc Công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là người duy nhất sống sót.
Trải qua 30 tháng nằm viện, 24 ca mổ, với sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia và các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, thượng úy Đinh Văn Dương dần tỉnh táo và có được cuộc sống ngày hôm nay, tuy nhiên, thân thể không còn lành lặn khi mất đi 2 bàn tay, hai đôi chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và nhiều phần da trên khuôn mặt nhăn lại.
Hiện anh Đinh Văn Dương đang được điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương Binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và tại nhà riêng.