Chiều 19/7, tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận gần 12.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 190% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng nói, trong số người mắc SXH, trẻ em dưới 15 tuổi trên 7.000 ca. Số ca tử vong do SXH là 10 ca (bao gồm 2 trẻ em).
Do số ca mắc SXH tăng sốc kèm theo đó là bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc nhiều, nhiều bệnh viện lớn, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị quá tải. Những người đang bám trụ lại bệnh viện đang phải làm việc gấp đôi, gấp 3 so với bình thường bởi còn phải gánh thêm công việc của những người đã nghỉ.
Theo tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chỉ gần 100 ngày qua, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho trên 6.000 ca bệnh SXH, trong đó có gần 3.000 ca điều trị nội trú và ca sốc SXH lên đến 700 ca. Lượng bệnh nhân đông khiến cho y bác sĩ làm ngày làm đêm vẫn không hết việc.
“Đáng lẽ, bệnh viện chỉ điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày là hợp lý nhưng hiện nay có những ngày, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện lên đến trên 200 người, riêng số ca nặng chiếm khoảng 20%”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, bệnh nhân đến điều trị ngày càng đông nên bệnh viện phải phân loại để chuyển bệnh vào một trong 3 tầng điều trị. Trong đó khoa Bệnh nhiệt đới sẽ tiếp nhận, điều trị những bệnh nhân bị SXH nhẹ và một số trường hợp sốc SXH.
Khoa Cấp cứu trước đây chỉ giữ bệnh nhân tối đa trong 3 giờ đồng hồ nhưng nay do các khoa khác đều quá tải nên phải làm luôn nhiệm vụ điều trị cho các ca sốc SXH mức độ vừa có tụt huyết áp. Khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị cho các ca sốc SXH nặng, suy đa cơ quan, có bệnh nền kèm theo. Nhiều khoa do thiếu giường nên buộc phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân.
“Khoảng 6 tháng qua, bệnh viện có 6 bác sĩ và 30 điều dưỡng đã xin nghỉ việc nên áp lực đối với người ở lại nặng nề hơn. Bệnh viện đã phải huy động tất cả bác sĩ nội khoa tham gia điều trị SXH. Ngoài ra, do thiếu đường dưỡng nên nhiều nhân viên phải thay nhau trực liên tục mới đảm bảo được công tác điều trị, điều đó khiến nhiều người mệt mỏi, tình trạng này kéo dài có khả năng khó trụ nổi. Hy vọng ngành y tế sớm có giải pháp để hỗ trợ bệnh viện, giúp cán bộ nhân viên y tế an tâm ở lại công tác, cống hiến”, ông Nghĩa nói thêm.
Ngoài bệnh viện nhi đồng, các bệnh viện khác như Đồng Nai, Long Khánh, Long Thành… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đa số lãnh đạo các bệnh viện này đều mong muốn ngành y tế sớm đưa ra các đề xuất nhằm hỗ trợ cho bác sĩ, điều dưỡng an tâm công tác.
Trước khó khăn và đề xuất của các bệnh viện, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho hay, sở đang làm đề án để hỗ trợ thêm về vật chất cho nhân viên y tế; đồng thời động viên nhân viên y tế tiếp tục vượt khó, gắn bó với bệnh viện, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Liên quan đến tình trạng gia tăng số ca mắc SXH, ông Trung nói rằng hiện nay tại một số địa phương, hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng chưa cao do chưa huy động được các ban ngành tham gia chiến dịch, mức độ tham gia chưa tích cực, cộng tác viên hoạt động chưa hiệu quả, bỏ sót dụng cụ chứa nước và các dụng cụ nguy cơ chứa nước.
Bên cạnh đó, hiện nay, thời tiết bất thường dẫn đến sự phát triển côn trùng truyền bệnh, cộng với việc lưu hành đồng thời nhiều tuýp virus Dengue; sự biến động dân số cơ học dẫn đến miễn dịch quần thể giảm; tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến vệ sinh môi trường nhiều khu vực kém, thuận lợi cho muỗi sinh sản… nên gia tăng dịch SXH.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ổ dịch được phát hiện là 1.542 ổ dịch. Tỷ lệ ổ dịch đã xử lý toàn tỉnh Đồng Nai đạt 98,5% (1519 xử lý/ 1542 phát hiện). Số ổ dịch phát hiện tăng nhiều so với cùng kỳ ở các huyện: Xuân Lộc (tăng 537,50%), Định Quán (tăng 202,27 %), Tân Phú (tăng 188,35%); Thống Nhất (tăng 156,25%)...