"Lá phổi xanh khổng lồ" được tạo bởi hàng trăm cây cổ thụ giữa lòng Hà Nội
Công viên Bách Thảo (Hà Nội) trước đây có diện tích trên 33 ha, ngoài các loại cây sẵn có, các nhà khoa học còn sưu tập trồng các giống cây bản địa quý hiếm từ khắp cả nước và dẫn giống nhập trồng thí nghiệm các loài cây cỏ lạ từ nhiều vùng trên thế giới.
"Lá phổi xanh" được tạo bởi hàng trăm cây cổ thụ nằm giữa lòng Hà Nội
Khi mới thành lập vào năm 1890, Công viên Bách Thảo có diện tích trên 33 ha, ngoài các loại cây sẵn có, các nhà khoa học còn sưu tập trồng các giống cây bản địa quý hiếm từ khắp cả nước, và dẫn giống nhập trồng thí nghiệm các loài cây cỏ lạ từ nhiều vùng trên thế giới.
Trong những ngày hè nóng bỏng khi nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, không gian trong Công viên Bách Thảo là sự trái ngược. Thay vì bê tông là rừng cây cổ thụ tỏa bóng mát, nhiệt độ hạ xuống dưới tán lá xanh.
Đây là một không gian lý tưởng cho nghỉ ngơi và thư giãn. Đi ngược với xu hướng đô thị hóa bên ngoài, là nơi ít thay đổi nhất của thành phố trong suốt nhiều năm qua. Không chỉ có sáng sớm hay chiều muộn, bên trong công viên xanh mát này luôn có nhiều người đến hít thở, thể dục thể thao.
Những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm, già cỗi, thân gốc nổi đầy những u cục.
Không quá lớn nhưng khuôn viên Công viên Bách Thảo có mặt nhiều loài cây gỗ quý hiếm đặc trưng cho các cánh rừng ẩm nhiệt đới phương Nam. Số loài địa phương chiếm trên 2/3 các loài cây hiện hữu, còn lại 1/3 là các loài cây nhập nội từ nhiều châu lục trên thế giới: châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương.
Cây bụt mọc cổ thụ. Các loài cây cũng đại diện cho các họ, bộ của hệ thực vật bậc cao có mạch, nổi bật là các loài cây thuộc ngành thực vật hạt trần và thực vật hạt kín.
Phần ngọn của cây bụt mọc đã bị gãy đổ do quá già.
Dưới gốc cây bụt mọc nổi lên nhiều u cục khá kỳ lạ, đây là phần rễ của cây, một số u cục còn mọc lên những cây con.
Cây muồng ngủ (cây còng) khổng lồ có nguồn gốc châu Mỹ (cùng nhiệt đới). Đây là cây gỗ cực lớn, cao từ 15-25 m, trong điều kiện thích hợp có thể cao đến 50 m.
Gốc cây ở Vườn Bách Thảo có chu vi 5-7 người ôm. Tán xòe rộng hình giống mâm xôi, che trùm cả khoảng không gian rộng lớn.
Trước đây để tăng thêm sự hấp dẫn, rải rác dọc theo lối đi người ta cho xây các chuồng nuôi chim thú.
Ngày nay, Công viên Bách Thảo được quy hoạch lại chỉ còn khoảng trên 10 ha. Tuy vậy không vì thế mà thiên nhiên nơi đây kém đi phần hấp dẫn, nó còn trở nên quý giá hơn nhiều khi xu hướng nhà cao tầng đang lấn át cây xanh.