Ngày 20/7, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết đến nay tổng số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện trên toàn tỉnh Đồng Nai là gần 13.000 ca, trong đó nhiều ca nặng, sốc sốt xuất huyết, tử vong.
Đáng nói mới đến giữa tháng 7 nhưng số ca tử vong do sốt xuất huyết đã tăng lên đến 11 ca trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em, thanh niên khỏe mạnh, không có bệnh nền.
Trước tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cả về số ca mắc, số ca nặng phải nhập viện điều trị và số ca tử vong, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị ngành y tế nâng cao năng lực điều trị, tăng cường công tác dự phòng, các địa phương tích cực phối hợp trong công tác phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch sốt xuất huyết của người dân, đặc biệt là thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi.
Trong khi đó, ngành y tế lại bắt đầu tìm mọi cách để giảm tải cho các bệnh viện trên địa bàn. Bởi hiện nay đa số các bệnh viện đang phải tiếp nhận số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với quy mô tiếp nhận bệnh ban đầu.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, đơn vị đã quyết định phân tuyến quản lý điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động trong công tác điều trị, giảm tối đa số ca tử vong.
Cụ thể các trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực; phòng khám chuyên khoa Nội, Nhi, các bệnh viện đa khoa tư nhân sẽ tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết mức độ 1 (chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi chặt để phát hiện sớm triệu chứng sốc sốt xuất huyết).
Trung tâm y tế các huyện, thành phố; Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai; bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết mức độ 1, mức độ 2 (có dấu hiệu cảnh báo), mức độ 3 (sốt xuất huyết Dengue nặng bao gồm: sốc sốt xuất huyết, điều trị chống sốc ban đầu, sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên những ca sốc sốt xuất huyết nặng có suy tạng, xuất huyết).
Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cả 3 mức độ, trong đó tập trung điều trị những trường hợp bệnh nặng.
“Các tuyến dưới hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp quá khả năng điều trị. Khi chuyển tuyến cần thông báo trước với đơn vị tiếp nhận, ghi chép đầy đủ thông tin diễn biến bệnh, các phương pháp đã điều trị, thực hiện tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên chuyên khoa để giải quyết các ca bệnh khó.
Trường hợp ca bệnh quá khó, các bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên 2 bệnh viện ở TP.HCM đã được Bộ Y tế quy định là Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhiệt đới”, lãnh đạo ngành y tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các cơ sở điều trị trong tỉnh lên kế hoạch ứng phó với việc tăng số lượng bệnh nhân; đồng thời đảm bảo thuốc, vật tư y tế… để điều trị bệnh. Nếu có khó khăn thì kịp thời báo cáo Sở Y tế để xử lý.