Cụ thể, tại đợt 1 phát hành, số lượng trái phiếu chào bán là 100.000 trái phiếu, tương đương 1.000 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là mỗi năm một lần. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và cộng biên độ 3,5% vào 2 năm cuối theo nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐQT ban hành ngày 14/03/2022.
Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 5 trái phiếu, tương đương 50.000.000 đồng.
Thời gian phát hành dự kiến là ngày 16/09/2022. Nhà đầu tư có thể đăng ký mua trái phiếu tại các điểm giao dịch của Vietbank từ ngày 25/07/2022 đến 12h ngày 15/09/2022.
Số tiền thu về từ trái phiếu sẽ được Vietbank sử dụng để tăng quy mô vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2022, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 71,4% so với năm 2021; tổng tài sản đạt trên mức 130.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, kiểm soát nợ quá hạn dưới mức 3,5% theo quy định.
Vietbank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.003 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ lên 5.780 tỷ đồng trong năm 2022.
Về kết quả kinh doanh, Vietbank cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 274,5 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của Vietbank đạt 220,6 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2022, VietBank dành hơn 94 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VietBank trích đến 168 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 6 lần cùng kỳ.
Kết quả, VietBank thu về gần 388 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 19%. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch 1.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, 6 tháng, VietBank chỉ mới thực hiện được 36% kế hoạch.
Tính đến 30/06/2022, tổng tài sản Ngân hàng tăng 6% so với đầu năm, lên mức 109.667 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại tổ chức tín dụng tăng 14% lên 16.524 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 11% lên 56,222 tỷ đồng…
Số dư nợ xấu Ngân hàng tăng 19% so với cuối năm 2021, đạt 2.196 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 3,65% lên 3,91%.