Dân Việt

Xóm lồng đèn ở TP.HCM sản xuất dè dặt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Quang Sung 22/07/2022 12:43 GMT+7
Những ngày này, các hộ làm lồng đèn thủ công tại xóm đạo Phú Bình đang tất bật với công việc cắt, dán, vẽ lồng đèn để chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay. Tuy nhiên các hộ kinh doanh ở đây vẫn tỏ ra dè dặt do ảnh hưởng của 2 năm dịch Covid-19.

Xóm đạo Phú Bình (quận 11, TP.HCM) được biết đến là địa điểm sản xuất lồng đèn thủ công lớn và có tiếng ở TP.HCM. Trước đây trong xóm có hơn 100 hộ lớn nhỏ tham gia sản xuất lồng đèn giấy kiếng thủ công. Mỗi dịp Trung Thu, cả con đường trong xóm rực rỡ màu sắc của những chiếc lồng đèn giấy kiếng.

Không còn như xưa

Tuy nhiên gần đây, nghề làm lồng đèn giấy kiếng thủ công không mang lại thu nhập ổn định, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Giờ đây số người còn theo nghề làm lồng đèn ở xóm đạo Phú Bình đã giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Đình Chiến - hộ dân làm lồng đèn hơn 30 năm ở đây chia sẻ: “ Nghề này không mang lại thu nhập cao, chỉ có một số người yêu nghề, làm lâu năm họ mới còn theo nghề. Bây giờ vật giá leo thang, nhưng với mặt hàng lồng đèn thì mình không tăng giá được. Mỗi ngày ráng làm, cũng kiếm được vài ba trăm nghìn”. 

Xóm lồng đèn ở TP.HCM sản xuất dè dặt do ảnh hưởng của dịch bệnh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Chiến đã có 30 năm trong nghề làm lồng đèn thủ công - Ảnh: Quang Sung

Trung thu năm ngoái, xưởng ông Chiến đã sản xuất một lượng lớn lồng đèn chuẩn bị đưa ra thị trường, tuy nhiên sau đó dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động bị dừng lại. Ông phải đem số lồng đèn đó đi tặng, một phần phải hủy bỏ.

Cách nhà ông Chiến khoảng 50 mét, hộ ông Nguyễn Bình là hộ lồng đèn có quy mô lớn trong khu vực. Sau Tết Nguyên Đán 2022, gia đình ông đã bắt tay vào công việc sản xuất lồng đèn thủ công. 

“Sau Tết nhà mình bắt đầu làm từ từ, ban đầu mình chuẩn bị nguyên vật liệu để làm khung. Mình chuẩn bị trước để khi bước vào giữa năm, đơn đặt hàng tăng lên thì mình kịp thời cung ứng”, ông Bình cho hay.

Tuy nhiên sau đợt dịch vừa rồi, hộ ông Nguyễn Bình không dám đầu tư mạnh cho mùa Trung thu năm nay. Ông cho biết, xưởng của ông vẫn sản xuất nhưng tương đối dè dặt, vì sợ tình trạng như năm ngoái. “Do năm ngoái dịch Covid-19 nên năm nay mình không dám làm nhiều, sợ bị bùng dịch trở lại, chỉ làm theo đơn đặt hàng của các đại lý”, ông Bình bộc bạch.

Xóm lồng đèn ở TP.HCM sản xuất dè dặt do ảnh hưởng của dịch bệnh - Ảnh 3.

Những sản phẩm lồng đèn được trưng bày với nhiều mẫu mã màu sắc sặc sỡ - Ảnh: Quang Sung

Vẫn chọn theo nghề

Trước nhiều khó khăn, số lượng hộ dân theo nghề làm lồng đèn thủ công đã không còn như trước. Theo ông Chiến, giờ đây trong xóm còn chưa tới 10 hộ dân theo nghề này, phần đông đã đi tìm công việc mới với thu nhập cao hơn.

Khi được hỏi về lý do vẫn tiếp tục làm nghề, ông Chiến cho biết: “Tôi vẫn làm nghề này một phần là vì kinh tế, nhưng bên cạnh đó nó cũng là vì sở thích quen thuộc. Đến dịp Trung thu mà không làm lồng đèn, cả xóm thấy thiếu không khí lắm. Tôi làm lồng đèn thủ công, một phần cũng mong muốn giữ lại những giá trị truyền thống cho các em nhỏ có niềm vui ngày Tết Trung thu”.

Xóm lồng đèn ở TP.HCM sản xuất dè dặt do ảnh hưởng của dịch bệnh - Ảnh 4.

Ông Chiến tỉ mỉ dán giấy kiếng cho mẫu lồng đèn cá vàng - Ảnh: Quang Sung

Các thành viên gia đình ông Chiến ai cũng tham gia làm lồng đèn. Nhưng hầu hết mọi người đều có một nghề chính như: chạy xe ôm, buôn bán,... Vì thu nhập không cao nên làm lồng đèn thủ công đối với họ chỉ là nghề phụ, làm khi rảnh hoặc khi đơn hàng tăng cao.

Khác với ông Chiến, hộ ông Nguyễn Bình vẫn mong muốn được mở rộng thị trường lồng đèn thủ công. Ông cho biết, ngoài việc cung cấp cho những đại lý quen thuộc, ông còn đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Qua đó tiếp cận được nhiều người hơn, quảng bá hình ảnh lồng đèn thủ công đến nhiều đối tượng. “Mình đăng lên mạng thì người ta dễ tìm đến mình hơn, chỉ cần lên mạng gõ là ra. Nhiều khi địa chỉ nhà mình khó tìm, nhiều người đến đặt hàng tìm đường khó khăn. Thay vì đó họ nhắn tin, đặt hàng trực tuyến cho tiện lợi”, ông Bình nói.

Xóm lồng đèn ở TP.HCM sản xuất dè dặt do ảnh hưởng của dịch bệnh - Ảnh 5.

Ông Bình đang uốn dây thép để tạo sườn cho lồng đèn giấy kiếng - Ảnh: Quang Sung

Là thế hệ thứ 2 tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, ông Bình cùng hai người anh em của mình tiếp tục phát triển nghề làm lồng đèn thủ công. “Mỗi năm tôi đều nghiên cứu để cho ra những mẫu mã mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Khách hàng đến đây dù mua một cái tôi cũng bán, mình phải trân trọng khách hàng thì mới tồn tại được”, ông Bình chia sẻ.