Sáng 22/7, từ đường Tràng An (nối từ TP Ninh Bình vào khu du lịch sinh thái Tràng An) chúng tôi rẽ vào một con đường làng nhỏ chưa đổ bê tông, đất đá lởm chởm, bùn đất rơi vãi. Đây là một vùng quê heo hút hẻo lánh của xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đi chừng 200m chúng tôi đã đến trước cổng của một homestay trưng tấm biển Tràng An Passion Homestay and Dê Quý 135. Sau cánh cổng sắt rộng rãi, bên trong là những dãy nhà tranh tre nứa lá lụp sụp. Những ngày qua trời mưa, làm cho khu vực này trở nên ẩm thấp nhếch nhác hơn.
Không có chủ cơ sở ở nhà, một vài người thợ làm công ở đây đang đóng lại các thanh tre trang trí bị rơi rụng. Hai năm dịch Covid-19 hoành hành, cơ sở này không mổ dê thịt để bán. Việc kinh doanh homestay cũng dừng hẳn, vì thế toàn khu vực này trở nên vắng bóng người, lạnh lẽo hoang vu vì nằm sát dưới chân núi đá vôi cao sừng sững.
Một cán bộ Sở Du lịch Ninh Bình dẫn tôi ra phía sau dãy nhà chính, ngay sát chân núi là căn phòng được niêm yết 97 triệu đồng/đêm, sau khi giảm còn 64 triệu đồng, cộng thêm các khoản thuế phí khách sẽ phải trả 74 triệu đồng gây "choáng váng".
Chúng tôi quá bất ngờ khi bước vào bên trong để mục sở thị căn phòng nghỉ có giá đắt đỏ thuộc hạng "siêu VIP", ngang với giá phòng Tổng thống ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất Việt Nam hiện nay.
Không còn giường đệm, đèn điện trang hoàng lộng lẫy như chủ khách sạn này quảng cáo trên các website đặt phòng nghỉ. Toàn bộ chiếc hang rộng hơn 20m2 ẩm thấp, được chia thành 2 ngăn.
Trong đó, ngăn chính rộng không có gì ngoài chiếc thùng phuy cũ, chiếc tủ bằng cót ép đã mục nát. Phía bên hông là ngăn nhỏ là nhà vệ sinh rộng chừng 5m2, bên trong có bồn cầu, chậu rửa mặt, chiếc gương, hệ thống vòi sen. Khu vệ sinh này được ngăn cách bởi chiếc cửa tạm bợ.
Một người làm việc tại homestay này cho biết, thực ra trước kia đây là cái ngách núi, sau đó khi gia đình kinh doanh các dịch vụ đã cho xây tường ngăn thành cái hang riêng biệt với bên ngoài để lắp đặt các thiết bị vệ sinh thành khu vệ sinh chung.
Ghi nhận của phóng viên, khu vực nhà vệ sinh này hiện cũng không được sử dụng. Toàn bộ trong hang là cảnh tượng nhiều tháng chủ cơ sở chưa dọn dẹp và bỏ hoang.
Về việc chiếc hang được bài trí thành căn phòng hang núi, chào bán trên mạng với mức giá lên đến gần 100 triệu đồng, người này cho biết, chủ cơ sở kinh doanh có ý tưởng quảng cáo căn phòng độc lạ.
Vì thế đã đưa giường đệm, đồ đạc vào hang và trang trí đèn điện sau đó chụp ảnh cho đẹp để chào bán phòng trên mạng nhằm thu hút khách đến với homestay nằm trong khu vực hẻo lánh này.
Thời điểm chúng tôi ghi lại những hình ảnh tại căn phòng này trời mưa to, bên trong nước chảy từ vạch đá xuống khắp nơi. Dưới nền nhà nước đọng thành từng vũng biến chiếc hang trở thành nơi đọng nước. Toàn bộ khu vực bên ngoài gần cạnh chiếc hang này được gia đình đặt các vật dụng thiết bị sinh hoạt như bể nước…
Được biết, ngày 22/7, ngành chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn đang liên lạc với chủ cơ sở này để làm rõ sự việc có liên quan, tránh gây dư luận không tốt.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du Lịch Ninh Bình cho biết, ngoài việc kiểm tra chủ cơ sở này quảng bá căn phòng không đúng sự thật, đoàn kiểm tra khi làm việc được với chủ homestay này cũng sẽ kiểm tra các thủ tục pháp lý về kinh doanh lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống, các dịch vụ khách có liên quan đến cơ sở này.