Dân Việt

"Nợ nước non" tái hiện cuộc đời Bác Hồ đến với khán giả TP.HCM

Bạch Dương 23/07/2022 14:52 GMT+7
Vào ngày 25 và 26/7, Nhà hát TP.HCM sẽ tổ chức công diễn vở sân khấu "Nợ nước non". Đây là phần 1 trong 3 phần của bộ sử thi nghệ thuật "Nước non vạn dặm".
"Nợ nước non" - tái hiện cuộc đời Bác Hồ - đến với khán giả TP.HCM - Ảnh 1.

Hai cha con nghệ sĩ Minh Hải - Anh Đức cùng đóng vai Bác Hồ. Ảnh: B.D

Ngày 23/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu vở sân khấu "Nước ngon vạn dặm - Phần 1: Nợ nước non". 

Công trình nhằm chào mừng 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2022).

Đây là phần mở đầu bộ ba tác phẩm về thân thế, cuộc đời cách mạng, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà khởi đầu từ ý tưởng của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ. Tác giả đã ấp ủ, thai nghén dự án này một thời gian dài, rồi tìm được những người đồng chí hướng là NSND Triệu Trung Kiên cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ.

Tên gọi "Nợ nước non" xuất phát từ lời bài ca mà bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ vẫn thường hát ru cho các con nghe: "Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền".

Vở diễn "Nợ nước non" đã thể hiện chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời thơ ấu gian khổ, khó khăn khi còn ở làng Chùa, làng Sen, rồi mấy lần ra vô Huế, vào Quy Nhơn, Phan Thiết, rồi Sài Gòn, trước khi lên tàu Admiral Latouche Tréville bôn ba hải ngoại, "đi tìm hình của nước".

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, tác phẩm không nhằm hay đi theo hướng mô tả tiểu sử nhân vật. Điều quan trọng là khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới; các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước, cho dân.

Đạo diễn, TS.NSND Triệu Trung Kiên tiết lộ, vở diễn sẽ có nhiều cảnh diễn xúc động như: Đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát; cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan ra đi khi cha Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi; cảnh cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành chia tay ở Bình Định; cảnh thành phố Sài Gòn, bến cảng Sài Gòn với công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, cuộc sống cơ cực của người dân; cuộc chia tay nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba và cùng những người thân yêu trước chuyến đi xa vạn dặm…

Về mặt nghệ thuật, "Nợ nước non" tiếp thu và phát triển các yếu tố nghệ thuật sân khấu hiện nay, vừa dân tộc vừa hiện đại. Tác phẩm không đi theo tuần tự thời gian của nhân vật chính mà là sự nối tiếp, đan xen giữa thực tại và quá khứ, giữa cảnh thực và hồi tưởng. Các hình tượng nhân vật đặc biệt là hình tượng của Bác Hồ được xây dựng sinh động, giàu xúc cảm.

Đảm nhận hai hình tượng Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành là hai cha con nghệ sĩ Minh Hải. Anh chia sẻ, dù hơn 10 năm làm nghề cải lương, từng tham gia nhiều vai diễn lịch sử nhưng đây là lần đầu tiên anh có vinh dự hóa thân vào vai Bác Hồ nên không tránh được lo lắng và áp lực. Để hóa thân vai diễn này, nghệ sĩ Minh Hải đã phải giảm 6kg.

Riêng với diễn viên nhí Anh Đức, NSND Trung Kiên dành nhiều lời ngợi khen bởi thái độ làm việc chuyên nghiệp dù đây là vai diễn đầu tiên của bé. Nét diễn mộc mạc, phần thoại tự nhiên và cảm xúc của bé Anh Đức đã thuyết phục toàn bộ ê-kíp chương trình.

"Nợ nước non" - tái hiện cuộc đời Bác Hồ - đến với khán giả TP.HCM - Ảnh 3.

Vở diễn tái hiện 21 năm đầu trong cuộc đời của Bác Hồ. Ảnh: Nhà hát cải lương Việt Nam

Điểm nhấn trong vở "Nợ nước non", bên cạnh hệ thống bài bản cải lương được bảo tồn nguyên vẹn làm chủ đạo, phần nhạc nền cho vở diễn là âm nhạc giao hưởng. Đặc biệt, vở diễn cũng có sự kết hợp nhiều loại hình âm nhạc truyền thống: Ví giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, dân ca Bài Chòi, hò Nam Bộ.

Lý giải về sự kết hợp này, NSND Trung Kiên chia sẻ ban đầu ê-kíp thực hiện không có ý định đưa nhiều yếu tố nghệ thuật vào vở diễn. Tuy nhiên, đó là đòi hỏi của bản thân tác phẩm.

"Nợ nước non khắc họa 21 năm đầu tiên trong cuộc đời Bác Hồ. Bác đã trải qua nhiều vùng miền trên chặng đường đi tìm con đường cứu nước. Mỗi vùng miền đều có ký ức về gia đình, đất nước, quê hương. Do đó, chúng tôi muốn đưa âm hưởng của vùng miền đó vào trong tác phẩm. Nó góp phần tạo nên bữa tiệc phong phú và mang đến cảm nhận thú vị cho người xem. Các loại hình âm nhạc truyền thống khi được đặt cạnh nhau vẫn tạo nên sự lấp lánh của mỗi thể loại", NSND Trung Kiên cho hay.

"Nợ nước non" - tái hiện cuộc đời Bác Hồ - đến với khán giả TP.HCM - Ảnh 4.

Tác phẩm "Nợ nước non" được kết hợp nhiều loại hình âm nhạc truyền thống. Ảnh: Nhà hát cải lương Việt Nam

Sau hai đêm diễn đầu tiên tại Hà Nội vào cuối tháng 5, vở diễn nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng. Nội dung, cách dàn dựng vở diễn tại TP.HCM giữ nguyên mẫu như tại Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ tin khi công diễn tại TP.HCM, các nghệ sĩ sẽ có những cảm xúc khác bởi đây là mảnh đất nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước.

Sau TP.HCM, vở diễn sẽ được đi lưu diễn tại một số tỉnh thành: Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Bình Định…

Sau phần đầu tiên, phần 2 và 3 của tác phẩm dự kiến có tên gọi "Lênh đênh bốn biển" và "Người về (hoặc "Người là Hồ Chí Minh") sẽ ra mắt công chúng trong năm 2003, 2024.