Dự đoán điểm chuẩn từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Đúng 0h ngày 24/7, Bộ GDĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ngay sau đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cũng được công bố để giúp thí sinh tham khảo đăng ký nguyện vọng theo tổ hợp của mình.
Liên quan đến phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên Vật lý, Hệ thống giáo dục ở Hocmai nhận xét: "Sau khi hiệu chỉnh điểm cộng ưu tiên, có thể dự đoán điểm chuẩn khối A00 vùng 23,50-24,25 năm 2022 sẽ không biến động nhiều so với năm 2021. Phổ điểm dưới 23,25 điểm lượng thí sinh năm 2022 đạt được ít hơn so với năm 2021 nên điểm chuẩn vùng này năm 2022 có thể giảm nhẹ so với năm 2021.
Phổ điểm trên 24,00: lượng thí sinh năm 2022 đạt được nhiều hơn so với năm 2021 nên điểm chuẩn vùng này năm 2022 có thể tăng nhẹ so với năm 2021.
Khối A01, nhìn chung phổ điểm năm 2022 giảm so với năm 2021. Mức điểm càng thấp thì lượng thí sinh đạt được càng giảm, có thể dự đoán điểm chuẩn khối A01 năm 2022 sẽ giảm so với năm 2021. Những ngành năm 2021 có mức điểm chuẩn trên 24 điểm thì năm nay có thể giảm từ 0,5-1,0 điểm. Những ngành năm 2021 có mức điểm chuẩn dưới 24 điểm thì năm nay có thể giảm mạnh từ 1,0-1,5 điểm.
Ở khối D00 thì trái ngược với năm ngoái, năm nay với đề thi phân hóa cao hơn nên phổ điểm năm 2022 giảm mạnh so với năm 2021. Khối D00 có phổ điểm khá tương đồng với khối A01. Mức điểm càng thấp thì lượng thí sinh đạt được càng giảm, có thể dự đoán điểm chuẩn khối D00 năm 2022 sẽ giảm so với năm 2021. Những ngành năm 2021 có mức điểm chuẩn trên 24 điểm thì năm nay có thể giảm từ 0,5-1,0 điểm. Những ngành năm 2021 có mức điểm chuẩn dưới 24 điểm thì năm nay có thể giảm mạnh từ 1,0-1,5 điểm.
Mặc dù đã có phổ điểm nhưng đây là dự đoán, nhận định sơ bộ về điểm chuẩn các khối thi. Dự đoán điểm từng trường đại học, từng ngành học thì phức tạp hơn vì còn phụ thuộc rất nhiều tham số: chỉ tiêu, các phương thức xét tuyển… Nhìn chung điểm chuẩn sẽ giảm chứ không lạm phát như năm ngoái. Tuy nhiên vẫn sẽ có một số ngành do chỉ tiêu dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm nên khả năng điểm chuẩn tăng vẫn có".
So sánh phổ điểm 2 năm 2021 và 2022. Ảnh: FTU
Sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Bộ GDĐT đã công bố điểm thi, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, qua phổ điểm tổng hợp, đánh giá chúng ta thấy được cơ bản kết quả kỳ thi năm nay không có sự thay đổi lớn so với năm 2021, giữ ở mức ổn định.
Đặc biệt là môn Lịch sử và môn Tiếng Anh đã có sự điều chỉnh tốt hơn. Tôi đánh giá với phổ điểm và kết quả như vậy thì kỳ thi đạt mục tiêu thi tốt nghiệp THPT. Có thể thấy được qua phổ điểm này chúng ta đánh giá được mức độ, kết quả học tập của học sinh trên toàn quốc. Những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Những vùng như Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn.
Kết quả kỳ thi THPT hết sức quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu đánh giá để học sinh có thể tốt nghiệp THPT theo chương trình đã định ra. Bên cạnh đó, chúng ta đánh giá chỉ số về giáo dục, các địa phương, các vùng miền. Từ đó có những điều chỉnh đánh giá phù hợp.
Về cơ bản tất cả các môn, phổ điểm đều vẫn giữ ổn định như vậy, tỉ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Nhưng đặc biệt năm nay kết quả môn Lịch sử tốt hơn và môn Tiếng Anh có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp, sát hơn với tình hình năng lực, kiến thức của học sinh. Như vậy, những điều được dư luận phản ánh cũng được tiếp thu.
Môn Lịch sử có sự cải thiện rõ rệt. Thứ nhất, có lẽ là cách đây vài năm đã gióng lên hồi chuông cần đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử và trên thực tế đã triển khai tại các trường THPT. Thứ hai là đề thi năm nay có sự cải biến. Theo tôi, hai điểm đổi mới đó gặp nhau nên kết quả kỳ thi năm nay có sự cải thiện rõ rệt.
Qua phân tích ở trên, điểm môn Lịch sử và môn Ngoại ngữ có tỉ lệ điểm giỏi giảm đi. Về cơ bản phổ điểm năm nay vẫn từ 21-26 nên điểm thi của các khối tuyển sinh không có quá nhiều biến động so với năm ngoái. Tuy nhiên tổ hợp nào có môn Lịch sử thì điểm sẽ nhỉnh lên một chút. Tổ hợp nào có môn Tiếng Anh thì điểm sẽ giảm đi một chút.
Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có sự chênh lệch, đối với từng môn học thì khoảng chênh lệch là 1 điểm là khoảng cho phép, phù hợp. Nhưng nếu 3 điểm trên 3 đầu môn thi trong một tổ hợp thì chênh lệch đến 3 điểm khác nhau. Như vậy, rõ ràng điểm thi và điểm xét học bạ là hai điểm hoàn toàn khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học sẽ sát hơn và tốt hơn.
Với phổ điểm như thế này thì năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học nữa vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối. Tôi cho rằng, đó là sự điều chỉnh rất phù hợp".
Theo TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT: "Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay đã phải trải qua hai năm học tập khó khăn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Nhìn vào kỳ thi năm nay, cá nhân tôi đánh giá chúng ta đã tổ chức được một kỳ thi thành công tốt đẹp.
Phổ điểm các môn thi đều tương đối tốt. Đặc biệt, tôi ấn tượng nhất với phổ điểm môn Lịch sử, kết quả này cho thấy đề thi đã đáp ứng mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT.
Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào đã được giao cho các trường đại học tự quyết định. Và với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tôi cho rằng các trường đại học hoàn toàn có thể tin tưởng lấy kết quả này làm căn cứ để xét tuyển".