Dân Việt

Ra mắt nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn đầu tiên tại Việt Nam

P.V 26/07/2022 06:38 GMT+7
Sáng 25/7, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn đã diễn ra chuỗi Hội thảo khoa học quốc tế về vật lý thiên văn và ra mắt nhóm các nhà khoa học nghiên cứu vật lý thiên văn đầu tiên tại Việt Nam.

Chuỗi sự kiện này thuộc chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 18 - năm 2022, do Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE phối hợp Ban tổ chức quốc tế (Viện nghiên cứu Flatiron, Đại học California Santa Cruz, Mỹ; Viện Nghiên cứu vật lý thiên văn Pháp; Tổ chức nghiên cứu RIKEN, Nhật Bản...) tổ chức, với sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học trong và ngoài nước cùng 50 học sinh tiêu biểu của các tỉnh Bình Định, Phú Yên.

Chuỗi sự kiện gồm hội thảo khoa học quốc tế "Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân và tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin" và "Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi" 2022.

Ra mắt nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Thanh Niên.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thiên văn học là một lĩnh vực khoa học đang còn thiếu và yếu về nhân lực tại Việt Nam cùng các nước đang phát triển. Nhờ kết nối của các nhà khoa học gốc Việt đang công tác ở các cơ quan nghiên cứu nước ngoài, nhóm nghiên cứu SAGI được thành lập tại ICISE.

"Với nguồn lực chất xám quốc tế và sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Simons, hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ có nhiều đóng góp tiềm năng cho các nghiên cứu thiên văn học ở Việt Nam, tăng cường nghiên cứu lĩnh vực này cho Trường ĐH Quy Nhơn và hỗ trợ Trung tâm Khám phá khoa học ở Quy Nhơn làm chủ các thiết bị và khai thác tốt, hiệu quả kính thiên văn hiện đại và lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại", ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, đến nay phần lớn kết quả nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã được công bố theo thông lệ quốc tế, rất nhiều kết quả đã vượt qua các đánh giá phản biện quốc tế độc lập khắc khe, có cạnh tranh cao để được đăng tải trên những Tạp chí khoa học uy tín thế giới. Đến năm 2021 đã vươn lên vị trí 45, vào tốp 50 thế giới với 18.381 bài báo được công bố.

Ông Đạt cảm ơn sự đóng góp của GS Trần Thanh Vân và các nhà khoa học quốc tế đối với nền khoa học của Việt Nam. "Xin được cảm ơn và mong muốn được thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học trong và ngoài nước tại các sự kiện khoa học rất có ý nghĩa tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - ICISE trong thời gian đến", ông Đạt nói.

Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết vật lý thiên văn là một trong vài ngành khoa học đang phát triển mạnh và có nhiều tiềm năng khám phá quan trọng trong tương lai gần. Việt Nam đang có hai nhóm nghiên cứu thiên văn và neutrino có năng lực và kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ thực tế của cộng đồng khoa học quốc tế.

"Tôi rất mong, qua hội thảo lần này, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ để hai nhóm nghiên cứu khoa học phát triển, đóng góp để hình ảnh khoa học Việt Nam lan tỏa trong cộng đồng khoa học thế giới", giáo sư Vân chia sẻ.

Tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền (NASA Mỹ) đã tuyên bố khởi động nhóm Vật lý Thiên văn tại ICISE do Quỹ Simons (Mỹ) tài trợ, gọi tắt là nhóm SAGI. Đây là nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn lần đầu tiên được thành lập tại Bình Định, được sự hỗ trợ, dẫn dắt của các nhà khoa học gốc Việt: Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, NASA Mỹ; Tiến sĩ Hoàng Chí Thiêm ở Viện khoa học Không gian và Vũ trụ khoa học Hàn Quốc và Tiến sĩ Nguyễn Lương Quang, Đại học American.